Giữ an toàn khi xông, tránh xông sát phần niêm mạc quá, có khả năng gây bỏng rát niêm mạc mũi, họng. Thời gian xông từ 10 – 15 phút. Không nên xông quá lâu.
Không nên xông các loại tinh dầu hay dầu nóng cay mạnh như: Tỏi, dầu gió, dầu cù là... vì dễ gây nguy cơ bỏng, cay mắt. Nên dùng các loại lá thảo dược thay vì tinh dầu có thành phần hóa chất.
Khi kết thúc quá trình xông nên hé mở khăn ra từ từ để cơ thể thích ứng dần với sự thay đổi môi trường. Lau khô, giữ ấm và tránh gió.
Trong quá trình xông, nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng... hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng xông ngay. Người già yếu, có bệnh, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai, tránh ngã.
Theo các chuyên gia, xông hơi không có tác dụng tiêu diệt virus mà chỉ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu. Vì vậy, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên xông nhiều hơn 1 lần mỗi ngày và mỗi lần không quá 20 phút.
Theo Đông y, gừng tươi còn gọi là sinh khương, vị cay, tính ấm, tác dụng giải biểu, tán hàn, ôn trung, hành thủy, tiêu đàm, giải độc. Sả còn gọi là cỏ sả, sả chanh, hương mao, vị cay, thơm, tính ấm, tác dụng phát hãn (ra mồ hôi), chống viêm, tiêu đờm, hạ khí, sát khuẩn, thông tiểu...