Giáo dục

Xâm hại tình dục: Đừng để con là nạn nhân thầm lặng

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo TS, chuyên gia giáo dục Châu Thủy Tiên, khi con bị xâm hại tình dục, đừng để con trở thành một nạn nhân thầm lặng. Hãy dạy bé trở thành một anh hùng, vạch mặt kẻ phạm tội, để kẻ xấu không làm hại được người khác.
Tiến sĩ Châu Thủy Tiên.

Tiến sĩ Châu Thủy Tiên.

Không thể gọi hành động đó là “nựng” được

Liên tiếp những vụ việc liên quan tới việc bạo hành, dâm ô, quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khiến dư luận bức xúc. Bà có suy nghĩ gì khi theo dõi những vụ việc như vậy?

Phải nói là quá bức xúc, đặc biệt là vụ việc sàm sỡ trong thang máy. Ngay từ khi đọc tin, suốt 4 đêm liền tôi không ngủ được. Quan điểm của tôi là cần có sự thống nhất toàn diện từ chính sách, cho tới gia đình, xã hội, nhất là luật pháp phải có những quy định chặt chẽ về lĩnh vực này.

Ví dụ quy định như thế nào là đụng chạm không hợp lý, phần ngực, bụng trở xuống, bộ phận sinh dục, thời gian bàn tay dừng…

Và cũng không phải cứ có giao cấu mới là hãm hiếp hay quấy rối, mà đôi khi chỉ cần một ánh mắt dừng lâu từ bụng trở xuống, lời nói… là đã bị khép vào tội rồi.

Bà đánh giá như thế nào về hành vi của cựu viện phó Viện kiểm sát Nguyễn Hữu Linh đối với cháu bé ở trong thang máy?

Tôi xem đi xem lại, tôi thấy không thể có một căn cứ nào để gọi đó là nựng được. Nhất là cái tay của ông ta đặt lên trước ngực bé.

Và điều khiến tôi ám ảnh tới không ngủ được chính là việc ông ta vừa nghe điện thoại, vừa sàm sỡ bé. Điều đó cho thấy đây là thói quen của những kẻ thường xuyên làm như vậy. Vì là thói quen, nên đã làm một việc xấu mà không hề thấy lo sợ, nhìn trước ngó sau. Ngược lại, thản nhiên như không, chai lì cảm xúc.

Nó giống như hành vi ở trong những quán bia ôm, các cô gái ngồi trên đùi, đàn ông vẫn cứ vừa ăn uống, nói chuyện bình thường.

Nếu nói về tâm lý tội phạm, thì cần phải nghĩ đến việc, liệu ông ta làm thế với bao nhiêu bé rồi? Đây có thể không phải là nạn nhân đầu tiên.

Nhưng vì chưa có quy định nên việc xử lý sẽ khó?

Tôi cho rằng, nếu chưa có quy định thì cần sửa luật. Ví dụ như ở một số nước, khi phát hiện ra sơ suất lỗ hổng của luật pháp thì lập tức điều chỉnh, có thể đưa ra quy định tạm thời, rồi đợi tới khi họp Quốc hội thì thông qua sau.

Và cũng không để nạn nhân phải đứng ra tố cáo mới xử lý. Mà ngay khi biết về vụ việc, thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm làm rõ rồi.

Hình ảnh trích xuất từ camera vụ việc cựu viện phó Viện kiểm sát Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ cháu bé trong thang máy.

Hình ảnh trích xuất từ camera vụ việc cựu viện phó Viện kiểm sát Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ cháu bé trong thang máy.

Hãy dạy con thành anh hùng, không phải nạn nhân

Một đứa trẻ khi bị xâm hại tình dục sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa bà?

Khi bị xâm hại tình dục, ngay lập tức thường trẻ sẽ “đóng khung” bản thân, không giao tiếp, ít nói cười. Về lâu dài, sẽ dẫn tới hai khuynh hướng: Một, là trẻ trở nên bất cần. Thứ hai, sẽ trả thù đời. Thì khuynh hướng nào cũng đều tiêu cực cả.

Vậy trong tình huống gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục, cần có ứng xử như thế nào?

Có một số bước ứng xử khi con bị xâm hại tình dục. Thứ nhất, hãy để con nói ra, con là nạn nhân của lạm dụng tình dục, thừa nhận điều đó. Giống như mình muốn đi bác sĩ thì phải kể bệnh cho bác sĩ vậy.

Bước thứ hai, hãy dạy con tha thứ cho mình, đừng đổ lỗi hay dằn vặt bản thân về chuyện xảy ra.

Bước thứ ba là chấp nhận người ta hại mình trong ít phút đó thôi. Nhưng quyết định không để cho người ta hại mình cả đời.

Bước thứ tư là hãy suy nghĩ, ai cũng có cơ hội lần thứ hai. Mai lại là một ngày mới. Những gì xảy ra với mình giống như là mình bị đứt tay, có sẹo, nhưng đó là quá khứ, hiện tại khác rồi.

Và một bước đặc biệt hiệu quả, đó là giúp đỡ những người đồng cảnh, nói chuyện với các bạn cùng chung hoàn cảnh với mình để tạo thành một tầng lớp ủng hộ lẫn nhau.

Chứ không phải như có một lời khuyên rằng, khi trẻ bị xâm hại thì nên im lặng, để tránh đào với lại vết thương của con, thưa bà?

Đó là quan điểm sai lầm. Nếu mình để cho con “đóng khung”, thì nỗi uất ức sẽ lớn dần theo năm tháng, một lúc nào đó thành “con khổng lồ”, hủy diệt đứa trẻ. Không có chuyện coi như không có gì xảy ra thì nỗi đau biến mất.

Đừng biến con thành nạn nhân thầm lặng, nghĩ rằng cuộc đời mình coi như bỏ đi... Mà hãy dạy con trở thành một anh hùng, để cho bé có tư thế của một anh hùng. Đầu tiên là để bảo vệ quyền lợi cho mình, thứ hai là giúp đỡ những đứa trẻ, bạn bè khác cùng cảnh ngộ.

Đặc biệt, là giúp đưa kẻ xấu ra ánh sáng để hắn không còn có cơ hội đi làm hại những đứa trẻ khác.

Tuy nhiên, theo tôi, cần dạy cho con các kỹ năng để sự việc không bao giờ xảy ra, đừng đợi khi chuyện xảy ra rồi mới nói.

“Mẹ ở đây, mẹ luôn ở đây”

Được biết, bà thường xuyên đi giảng ở các trường về vấn đề này. Vậy, kỹ năng đó cụ thể như thế nào, thưa bà?

Phải dạy trẻ xác định được những địa điểm nguy hiểm, ví dụ như đi một mình, hoặc một mình tiếp xúc với người khác phái.

Ngay khi tiếp xúc với người khác phái mà có những đụng chạm và có cảm giác không thích hoặc “kỳ quặc” lập tức rời khỏi đó ngay và gọi giúp đỡ.

Có những giới hạn về mặt thân thể về vị trí các bộ phận cơ thể mà những đối tượng nào thì không được chạm vào. Chẳng hạn chạm vùng bụng trở xuống, hoặc bộ phận sinh dục, hoặc bàn tay dừng lâu, xoa vuốt ở vị trí nào đó…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải tạo cho con niềm tin vững chắc, rằng cha mẹ sẽ luôn là người con có thể chia sẻ được khi có chuyện xảy ra.

Vì sao đó lại là điều quan trọng nhất, thưa bà?

Đứa trẻ bị xâm hại thường “đóng băng” cảm xúc. Phải cho bé thấy, cha mẹ chính là nơi bé có thể tin tưởng, nói ra sự thật, giúp đỡ bé.

Đặc biệt, hãy để cho trẻ thấy rằng, cha mẹ luôn là cái phao khi con sắp bị chìm. Không cần biết ở nơi nào, bao giờ nào hay mối đe dọa như thế nào, chỉ cần con gọi, cha mẹ nhất định sẽ đến bên con.

Giả sử trong trường hợp bé “đóng băng” cảm xúc, thì có dấu hiệu nào nhận biết bé bị xâm hại tình dục không, thưa bà?

Tất nhiên, dấu hiệu đầu tiên là “đóng băng” rồi, tự dưng thấy trẻ im lặng, ít hoặc không nói cười thì nhất định có vấn đề nào đó.

Thứ hai, có thể để ý tới việc tiểu tiện của bé, nhất là đối với các bé mầm non, có bất thường không?

Ngoài ra còn là các vết bầm trên cơ thể.

Trẻ cũng có thể trở nên hung hăng, đánh nhau không có lý do. Hoặc chán nản, không muốn học hành.

Cũng có trẻ thì bắt đầu ôm ấp, hôn hít bạn, có những hành vi “nhạy cảm” giống như người lớn…

Trân trọng cảm ơn bà!

Nếu như không xử lý dứt điểm những vụ việc như Nguyễn Hữu Linh thì sẽ rất nguy hiểm, gây mất niềm tin của người dân vào công lý, vào pháp luật. Đặc biệt, nó khiến kẻ xấu không biết sợ, sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc tương tự.

Mai Loan