NHÌN THẲNG

Việt Nam đang trở thành bãi đổ phế thải

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Hơn 9,2 triệu tấn phế liệu đổ về Việt Nam năm 2018. Chính sách cấm nhập khẩu của một số nước khiến Việt Nam trở thành điểm đến thay thế của nhiều phế liệu là rác thải.

Báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2018, Chính phủ cho biết, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam năm ngoái là hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017. Nguyên nhân là áp lực từ chính sách cấm nhập khẩu một số loại phế liệu của một số quốc gia, dẫn đến phế liệu có xu hướng được chuyển vào ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại đã qua sử dụng về Việt Nam. Hành động này tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tồn đọng phế liệu, chất thải tại các cảng biển.

Ngoài chỉ đạo tăng cường quản lý nhập khẩu, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng, Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị thanh tra việc hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số quy định như: kiểm soát chặt chẽ và từ xa ngay tại nước xuất khẩu với phế liệu nhập khẩu; ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu...

Tính đến đầu tháng 4/2019, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 23.453 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển, trong đó 9.825 container lưu trữ trên 90 ngày, chưa làm thủ tục hải quan. Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất tại Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TPHCM lần lượt 6.082 và 4.689 container.

Trong số đã phế liệu lưu trên 90 ngày, hải quan xác định 90,3% chưa làm thủ tục thông quan mà không có người tới nhận. Các hãng tàu cũng chậm trễ trong vận chuyển lô hàng tồn đọng ra khỏi Việt Nam. Vì vậy cần có biện pháp quyết liệt yêu cầu các hãng đưa những lô hàng tồn đọng là phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rời Việt Nam.

Giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đề xuất bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nếu là lô hàng chứa chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, hải quan yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi Việt Nam. Nếu hãng tàu không thực hiện, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cưỡng chế, xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu hãng tàu chưa vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ tiến hành tiêu hủy.

Đức Vinh