Chị Thanh Bình (Bắc Giang) bị viêm tai nhiều năm. Mỗi đợt viêm chị thường lấy thuốc theo đơn cũ ra uống hoặc tự ra hiệu thuốc nhờ người bán thuốc tư vấn thuốc uống và nhỏ tai. Kết quả là bệnh không chữa dứt. Vừa rồi đau nhức tai không chịu được, chị đi khám, bác sĩ nói chị bị viêm tai giữa đã lâu và ăn vào xương, cần phải mổ, nạo bỏ phần viêm.
Lời bàn: BS Nguyễn Văn Trường, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, viêm tai giữa nhiều năm hay tái phát từng đợt, thông thường sẽ ảnh hưởng viêm vào xương chũm và có thủng màng tai đi kèm. Nếu viêm tai giữa có cholesteatome cần phải tiến hành phẫu thuật ngay, thông thường sẽ phẫu thuật tiệt căn, phá hủy lấy hết toàn bộ tổ chức viêm và khối cholesteatome để tránh các biến chứng nguy hiểm. Với viêm tai giữa không có cholesteatome, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bảo tồn, phục hồi chức năng. Thông thường các tổ chức viêm trong tai giữa, xương chũm sẽ được lấy bỏ kèm theo vá màng nhĩ (bằng vật liệu tự thân: Cân cơ thái dương, màng sụn, tổ chức mỡ...) phục hồi được giải phẫu tai giữa kèm theo sẽ nâng được sức nghe cho bệnh nhân. Để tránh các cuộc mổ phức tạp, bệnh nhân khi mới bị viêm tai cần đến bệnh viện để được điều trị đúng, đủ theo yêu cầu của bác sĩ.