Trong vòng chưa đầy một tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng liên tiếp tiếp nhận các trường hợp có hành vi tự sát, tự hủy hoại cơ thể vào điều trị trong tình trạng cấp cứu, có bệnh nhân đến trong tình trạng nặng nề đã không qua khỏi.
Cụ thể, ngày 13/4, Khoa Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nam, 29 tuổi, nhập viện trong tình trạng loạn thần cấp, mất ngủ triền miên và tự gây vết thương sâu ở cổ bằng vật sắc nhọn. Qua thăm khám, bệnh nhân có biểu hiện hoang tưởng bị hại, lo âu dẫn đến hành vi tự sát được các bác sĩ xác định do rối loạn trầm cảm có loạn thần chưa được điều trị.
Cùng ngày bệnh nhân nam 52 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần nhiều năm, cũng nhập viện với nhiều vết cắt sâu ở tay, chân, ngực và mặt. Bệnh nhân cho biết bản thân thường xuyên nghe thấy tiếng nói lạ trong đầu, cảm thấy có người theo dõi và hại mình, đã nhiều lần tự làm tổn thương cơ thể nhưng không được can thiệp y tế đầy đủ.
Đồng thời trong tuần bệnh viện tiếp tục tiếp nhận nhân nữ 69 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, buồn chán, khí sắc trầm buồn, đã tự sát 2 lần bằng rượu ngâm ô đầu, thuốc trừ sâu nhưng được phát hiện và điều trị kịp thời nên qua khỏi.
Vụ việc đặc biệt đau lòng khi 1 thanh niên được đưa đến cấp cứu trong tình trạng nặng nề do tự sát, sau đó đã không qua khỏi. Theo người nhà kể, bệnh nhân có rối tâm lý trong thời gian dài, điều trị không hiệu quả.
![]() |
Tư vấn cho bệnh nhân trầm cảm - Ảnh BVCC |
Theo các bác sĩ, các trường hợp như vậy đều có các dấu hiệu của trầm cảm và rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời, hiệu quả, khi bệnh tái phát, tăng nặng người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, đưa ra quyết định bột phát, nguy hiểm.
Hiện nay, sức khỏe tâm thần đang dần được quan tâm, chú ý hơn, nhưng vẫn còn khoảng trống lớn về nhận thức, sự đồng hành của gia đình và cộng đồng.
Tâm lý e ngại, kỳ thị, hoặc xem nhẹ các biểu hiện trầm cảm, rối loạn tâm thần khiến người bệnh âm thầm chịu đựng, đến khi hành vi tự sát hoặc các hành vi nguy hiểm khác cho bản thân hay cộng đồng xảy ra thì đã quá muộn.
Qua những ca bệnh như trên, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cao Bằng khuyến cáo tới cộng đồng: Không nên coi nhẹ các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, suy sụp tinh thần, thu mình, nói về cái chết.
Người bệnh hoặc người thân nên chủ động tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm. Gia đình và xã hội cần lắng nghe, đồng hành, tránh đổ lỗi hay xa lánh người bệnh.
Mọi sự quan tâm, chia sẻ, một lời hỏi han đúng lúc… có thể là đã giữ ai đó ở lại với cuộc sống.
Các biểu hiện không bình thường về tâm lý, tâm thần cần được khám, tư vấn điều trị bởi bác sĩ tâm lý, tâm thần.
Đừng để sự im lặng trở thành nguyên nhân của những mất mát. Gióng lên hồi chuông cảnh báo hôm nay để không còn những cái kết đau lòng vì trầm cảm, rối loạn tâm thần.