Ngân hàng

Vì sao VDB có thể mất hàng nghìn tỷ đồng tại dự án DAP 2 của Vinachem?

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Công ty CP DAP 2 - Vinachem báo lỗ nhiều năm, dẫn tới âm nguồn vốn. Hàng nghìn tỷ đồng vay nợ của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có thể không được hoàn trả.

Năng lực tài chính yếu

Năm 2020, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) báo lỗ lũy kế hơn 4.000 tỷ đồng. Một số khoản vay ngân hàng của tập đoàn đã quá hạn thanh toán. Trong đó, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem phản ánh nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, kinh doanh thua lỗ triền miên, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu. Do đó, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cổ phần DAP 2.

Năm 2010, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, diện tích gần 71ha.

Tuy nhiên, sau kiểm toán, thanh tra... cho thấy dự án có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật như nâng giá cao hơn giá dự phòng, có nhiều sai sót trong nghiệm thu, thanh toán vượt mức. Ngoài ra, đơn vị không tính đúng tỷ trọng thanh toán của các thành phần, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Cuối năm 2015, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm chi phí đầu tư còn 875 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chưa đủ điều kiện thanh toán là 762 tỷ đồng. Năm 2018, cơ quan thanh tra Bộ Công Thương đã yêu cầu loại khỏi dự án chi phí quản lý hơn 13 tỷ đồng.

Đến nay, dự án còn một số vướng mắc về vấn đề quyết toán, khó có thể tháo gỡ với nhà thầu và chưa xử lý xong các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương.

Hiện, một số khoản vay của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã quá hạn thanh toán, với số dư nợ gốc quá hạn là 1.396 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 1.506 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là các hợp đồng đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay; trong đó có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP công suất 330.000 tấn/năm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư đang thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án.

Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tại thời điểm hiện tại vẫn chưa có kế hoạch dòng tiền trong những năm tới đây, cũng như không có bằng chứng cho thấy có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và đã quá hạn.

VDB thẩm định “dễ dãi” để cho vay hàng nghìn tỷ đồng

Để đầu tư cho Dự án xây dựng nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem đã vay 1.813 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Tuy nhiên, trong khoản vay nghìn tỷ này tồn tại nhiều vấn đề tồn tại không thể khắc phục được, do quá trình thẩm định dự án không chính xác.

Tính đến hết quý 2/2020, nợ gốc của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tại VDB là 1.722 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc quá hạn phải trả cho VDB là 997 tỷ đồng. Số tiền lãi và phạt quá hạn đã lên tới hơn 1.005 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính cả nợ gốc và lãi, tiền phạt, tổng dư nợ mà Công ty CP DAP số 2 - Vinachem phải trả VDB là hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kết quả khắc phục theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, khoản cho vay của VDB đối với Công ty CP DAP số 2 - Vinachem còn nhiều tồn tại, trong đó có vướng mắc không thể khắc phục được.

Cụ thể, cán bộ của VDB chưa thu thập, lưu trữ đủ các tài liệu về giá nguyên vật liệu đầu vào (đặc biệt là lưu huỳnh, NH3) làm cơ sở thẩm định, dẫn đến thẩm định sai về giá.

Ngoài ra, tại thời điểm thẩm định hiệu quả của dự án, VDB đã lơ là, bỏ qua một số chỉ tiêu, tính toán không đảm bảo. Trong khi, các điều kiện về vốn tự có, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế. Dự án cũng tiềm ẩn rủi ro nên chưa đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

VDB cũng thừa nhận rằng, việc lựa chọn giá bán tại nhà máy với đơn giá 9,7 tỷ đồng/tấn sản phẩm DAP khi thẩm định là thiếu cơ sở, chưa phù hợp. Việc đánh giá độ nhạy của dự án không chính xác, chỉ mang yếu tố dự báo, phòng ngừa rủi ro, nhưng VDB lại chọn là chỉ tiêu chính xem xét, quyết định cho vay.

Đặc biệt, xác định lãi suất mong muốn cho khoản vốn tự có của chủ đầu tư bằng 9,6% là không đúng theo nguyên lý chung tại thời điểm đó.

Dù số nợ gốc và lãi quá hạn lớn như vậy, nhưng VDB (chi nhánh Lào Cai) vẫn chưa xây dựng giải pháp cụ thể nào để quản lý nguồn doanh thu từ việc bán hàng của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem, nhằm thu hồi các khoản nợ. VDB cũng không hối thúc việc chủ đầu tư là Công ty CP DAP số 2 – Vinachem phải thực hiện đúng cam kết vay vốn.

Giải trình cho việc thiếu quyết liệt thu hồi món nợ quá hạn lớn trên, VDB cho rằng, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem làm ăn thua lỗ từ năm 2016 đến nay, nên ngân hàng chưa xây dựng được giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ, cũng như quản lý doanh thu của Dự án.

Là một ngân hàng vốn Nhà nước, VDB lại dễ dãi trong việc thẩm định dẫn đến khoản nợ xấu lớn, không có khả năng thu hồi. Và khi dự án kém hiệu quả, VDB cũng lại thể hiện sự yếu kém trong thu hồi nợ.

Thực tế, tại VDB, có rất nhiều khoản cho vay với quy mô rất lớn hiện đã là nợ xấu. Dường như, với các khoản vay từ VDB, doanh nghiệp chỉ cần báo lỗ là có thể “xuê xoa” đi hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và gây thất thoát tiền từ các dự án kém hiệu quả. Vậy thì đó là những dự án nào?

Tuấn Thủy