Doanh nghiệp

"Hôn sự" với VDB và khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Vinalines

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines - nay đổi tên là VICM) vay hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng lỗ hàng nghìn tỷ đồng các năm qua. Muốn thoát lỗ từ vận tải biển, Vinalines chuyển hướng đầu tư xây dựng, nhưng liên tục "mắc vốn", không có khả quan.

"Hôn sự" Vinalines - VDB

Sau tái cơ cấu, nợ vay vẫn là gánh nợ lớn đối với Vinalines. Tổng dư nợ phải trả tính đến 31/12/2020 là 1.057 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Theo ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất 2020, các khoản vay nợ quá hạn mà Vinalines và các công ty con chưa thanh toán lên tới 2.804 tỷ đồng nợ gốc và 3.039 tỷ đồng tiền lãi (công ty mẹ Vinalines chiếm 721 tỷ đồng nợ gốc). Vay nợ tài chính tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác lên tới 6.656 tỷ đồng. 

Bên cạnh các khoản vay nợ tài chính, Vinalines còn nhiều khoản lãi phải trả được hạch toán dàn đều ở nhiều khoản mục khác như chi phí phải trả, các khoản phải trả khác. 

Cụ thể, Vinalines còn phải trả lãi 1.943 tỷ đồng từ những khoản vay ODA và khoản vay Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ (VFC).

Những khoản vay ngân hàng gồm gốc và lãi hơn 46 tỷ đồng tại công ty con của Vinalines là Công ty CP Vận tải biển Vinaship nhiều năm nay chưa được trả, với lý do các khoản vay này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu.

Ngoài ra, các khoản lãi vay phải trả ngân hàng của Vinalines cũng lên tới 984 tỷ đồng (tăng 974 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020), trong đó riêng công ty mẹ Vinalines đã chiếm 906,5 tỷ đồng nợ lãi quá hạn. 

Số nợ quá hạn nhiều năm, chưa thanh toán của công ty mẹ Vinalines tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Đông Bắc hiện là 866 tỷ đồng và tại Agribank chi nhánh Láng Hạ là 40 tỷ đồng. 

Mặc dù còn gần nghìn tỷ đồng nợ gốc, lãi quá hạn thanh toán tại VDB, nhưng Vinalines vẫn tiếp tục được ngân hàng này rót thêm vốn, cho vay vượt mức thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa. Tổng dư nợ của Vinalines tại VDB tính đến cuối năm 2020 ghi nhận là 3.323 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản nợ quá hạn của Vinalines).

Đáng chú ý, trong năm 2019, Vinalines đã thế chấp 2 máy tàu 47.500 DWT HB 02 và HB 03 tại VDB. Theo Vinalines, “Đây là loại máy tàu lạc hậu, hiệu suất thấp và tiêu tốn nhiên liệu cao, không đáp ứng được tiêu chuẩn khí xả quốc tế”. Do đó, Vinalines đã trích lập dự phòng giảm giá đối với 2 máy tàu này với số tiền 207,6 tỷ đồng. Trước đó, Vinalines báo giá 2 máy tàu này là 210,5 tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng của KH&ĐS, 2 máy tàu này có giá chỉ khoảng vài chục tỷ đồng, được nhập khẩu cho dự án đóng 2 tàu 47.500 DWT (HB 02/03) của Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) thuộc Vinalines. 

Khi mở thủ tục phá sản cho Falcon, Vinalines dừng triển khai dự án đóng 2 tàu này. Tổng đoạn thân tàu HB 02 và 03 đã được Vinalines bán đấu giá với giá 1,9 tỷ đồng. Còn lại 2 máy tàu đã được Công ty CP Thẩm định giá Vinacontrol có giá trị hơn 90 tỷ đồng (?) và Vinalines đem thế chấp cho VDB với mục đích đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, gốc, lãi, tiền phí. 

Việc tài sản máy tàu lạc hậu, giá trị thấp được đem thế chấp và trích lập dự phòng cao (210,5 tỷ đồng) đã giúp Vinalines vừa đẩy rủi ro về VDB (thực chất là Nhà nước), vừa chiếm dụng tiền, không phải trả nợ (cũng của VDB) với lý lo... trích lập dự phòng. Không hiểu VDB sẽ thu hồi nợ như thế nào với 2 máy tàu lạc hậu và thế chấp giá cao này của Vinalines?

KH&ĐS sẽ có tuyến bài riêng về những dích dắc trong đầu tư một số dự án của các thành viên Vinalines với nguồn tiền vay từ VDB. 

Lỗ vì biển, “chôn” tiền ở dự án xây dựng

Là doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển lớn của Việt Nam, nhưng oái oăm là Vinalines lại không “có duyên” với tàu biển. Mảng kinh doanh cốt lõi này nhiều năm báo lỗ trầm trọng.

Ước tính trong năm 2020, khối vận tải biển (bao gồm các công ty con và công ty liên kết) lỗ 684 tỷ đồng trong năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ thua lỗ 1.117 tỷ đồng.

Không chỉ những dự án tàu bị huỷ làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng, Vinalines còn nhiều dự án xây dựng dang dở hơn chục năm nay, nợ đọng Nhà nước và các doanh nghiệp nhiều nghìn tỷ đồng nữa.

Năm 2010, Vinalines nhận ứng trước từ Ngân sách Nhà nước 599 tỷ để phục vụ đầu tư Dự án Xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Dự án). Khoản ứng vốn này sẽ phải trả cho Ngân sách Nhà nước sau khi hoàn thành Dự án. Đến nay, đã hơn một thập kỷ trôi qua, Dự án vẫn còn dang dở. Nếu theo đúng kế hoạch, dự án có thể hoàn thành trong năm 2025.

Trước đó, Dự án Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng bị tồn đọng nhiều năm (từ năm 2008) do liên quan đến chi phí lập hồ sơ thiết kế chi tiết, thẩm tra thiết kế, chi phí tư vấn.

Hai Dự án Rạch Chiếc - Phước Bình và Bắc Rạch Chiếc - Phước Long A đang có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.521 tỷ đồng, đang gặp phải nhiều vường mắc, phải tạm dừng triển khai.

Mặc dù, 2 dự án cũng chưa được phê duyệt quy hoạch, đang trong tình trạng bị thanh kiểm tra bởi các cơ quan Nhà nước, có tranh chấp hơn 1.653m2 đất xảy ra từ năm 2008 đến nay, nhưng Vinalines và Công ty CP Phát triển Hàng Hải (công ty con của Vinalines) vẫn cho đầu tư xây dựng. Để rồi, gần 50 tỷ đồng đang bị “kẹt” tại dự án, chưa rõ khi nào có thể giải quyết xong.

Nhấn mạnh rằng, đến nay, Công ty CP Phát triển Hàng Hải chưa được công nhận là nhà đầu tư thứ cấp, nhưng vẫn cố tình thực hiện dự án.

Một số dự án khác như Dự án Xây dựng công trình Cảng Cái Cui giai đoạn II (có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng) được triển khai từ năm 2009. Đến nay, sau hơn 10 năm, dự án vẫn dừng lại ở công đoạn san lấp mặt bằng.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines từ nhiều năm nay luôn tồn tại một loạt các ý kiến kiểm toán ngoại trừ của cơ quan kiểm toán, liên quan đến việc ghi nhận chỉ tiêu tài sản cố định và công tác cổ phần hoá tại Công ty CP Cảng Hải Phòng. Trong đó, tài sản được hình thành trước thời điểm cổ phần hoá là cầu cảng số 04, 05 bãi Container Bến Cảng Chùa Vẽ và các khoản vay ODA Nhật Bản gần 200 tỷ đồng bao gồm cả lãi vay. Bộ Tài chính đã kiến nghị việc rà soát lại cơ sở ghi nhận giá trị đối với 2 cầu cảng và khoản vay trên, cũng như kiểm tra lại quá trình cổ phần hoá của Công ty CP Cảng Hải Phòng.

Ngoài ra, Công ty Kiểm toán cũng không thu thập được bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp của các khoản công nợ phải thu, phải trả tại thời điểm đầu năm và cuối năm. Vì thế, công ty kiểm toán gặp khó khăn trong việc xác định được tính cần thiết của các điều chỉnh trong báo cáo tài chính hợp nhất.

Cần lưu ý, do lãi từ cảng nhưng lỗ từ vận tải biển, đầu tư, nên tại Vinalines cũng có nhiều nghìn tỷ đồng được trích lập dự phòng cho số lỗ này. Kết quả là dù có tiền, thì Vinalines cũng... không trả nợ, mà chủ yếu chủ nợ phải xóa nợ cho doanh nghiệp này. Tiền vay của Vinalines, với phần rất lớn từ Nhà nước, đã bị chiếm dụng, lợi dụng theo cách ấy. 

Tuấn Thủy