Dinh dưỡng

Vì sao người gầy khó tăng cân?

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tình trạng ăn nhiều nhưng không tăng cân hay ăn hoài không mập có thể do nhiều nguyên nhân. Biết được lý do tại sao ăn hoài không mập có thể sẽ giúp bạn tìm được cách cải thiện cân nặng của mình.

Khả năng hấp thu dinh dưỡng kém

Kém hấp thu được hiểu đơn giản là khi thức ăn được nạp vào cơ thể, dinh dưỡng trong thức ăn không được đường ruột hấp thu hết mà bị đào thải ra ngoài. Từ đó dẫn đến cơ thể bị gầy gò, ốm yếu, xanh xao. Tình trạng kém hấp thu không phải là một bệnh lý riêng biệt nên khó có thể xác định được rõ nguyên nhân. Nhưng theo các chuyên gia về sức khỏe, thì về cơ bản nó là hậu quả của nhiều yếu tố sinh hoạt và cơ địa tạo nên như:

- Sự tổn thương niêm mạc ruột do nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, rối loạn dung nạp lactose và một số bệnh như tuyến tụy suy yếu.

- Đau dạ dày tá tràng

- Do thiếu hụt enzym tiêu hóa

- Do một số ký sinh trùng gây bệnh như giun đũa, giun móc, Giardia lamblia

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chế độ ăn uống thất thường

Chế độ ăn uống thất thường khiến cơ thể không hấp thu được đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu. Bạn cần từ bỏ ngay những thói quen ăn uống dưới đây nếu không muốn cân nặng của mình “tuột dốc không phanh”:

Thường xuyên bỏ bữa, nhất là bữa sáng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì nó cung cấp nguồn năng lượng để cơ thể hoạt động sau một đêm dài. Vì vậy, nếu bạn bỏ bữa, nhất là bữa sáng thì cơ thể sẽ không bổ sung đủ dưỡng chất cho hoạt động sống.

Ăn quá nhiều trong một bữa: Lượng thức ăn nạp vào quá nhiều cùng một lúc có thể khiến hệ tiêu hóa bị quá tải và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Đây có thể là nguyên nhân khiến bạn ăn nhiều nhưng không tăng cân.

Thường xuyên ăn đêm: Ăn đêm rất dễ gây cảm giác đầy bụng, khó tiêu và nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản,... Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của bạn, từ đó khiến bạn khó tăng cân hơn do ngủ không ngon giấc.

Ăn uống thất thường còn gây chênh lệch nồng độ đường huyết và các thành phần dinh dưỡng khác trong cơ thể ở các thời điểm khác nhau. Cụ thể, khi bị đói, cơ thể sử dụng nguồn glucose và mỡ dự trữ để làm năng lượng cho các hoạt động sống. Trong khi đó, ăn quá no lại tạo điều kiện chuyển hóa nguồn năng lượng dư thừa thành cholesterol xấu - yếu tố nguy cơ hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Thiếu protein

Thiếu protein trong chế độ ăn uống dẫn đến giảm cân và mất khối lượng cơ bắp. Muốn tăng cân, hãy ưu tiên ăn protein và tinh bột trước trong mỗi bữa ăn (đây là hai nhóm dinh dưỡng giàu năng lượng nhất), sau đó ăn rau.

Việc ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có thể khiến bạn no sớm, không ăn đủ protein và tinh bột. Tăng cường các thực phẩm giàu protein gồm thịt, cá, trứng, hải sản, đỗ, đậu phụ, sản phẩm từ sữa...

Tập luyện quá mức

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tập luyện quá mức có thể dẫn đến phản tác dụng, gây hại sức khỏe. Khi tập luyện quá sức, cơ thể tiêu tốn nhiều calo hơn và không đủ thời gian để hồi phục, xây dựng cơ bắp.

Do đó, cần cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi, đồng thời tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Trung bình để tăng cân lành mạnh, bạn nên ăn vào 300-500 calo nhiều hơn so với mức tiêu thụ calo trung bình trong ngày. Ví dụ bạn cần 1500 calo/ngày, bạn nên ăn vào 1800-2000 calo/ngày.

Ngủ không đủ giấc

Thời gian ngủ là lúc cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và tái tạo cơ bắp. Do đó, nếu như bạn thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ không đủ 6 - 8 tiếng/ngày thì cơ thể sẽ luôn trong trạng thái mỏi mệt, ăn uống không ngon miệng. Trạng thái trao đổi chất kém, thể chất suy kiệt là nguyên nhân khiến bạn khó tăng cân.

Quá trình chuyển hóa năng lượng cao

Nếu bạn ăn nhiều nhưng khó tăng cân, có thể bạn thuộc cơ địa có mức chuyển hóa năng lượng cao hơn người bình thường. Cụ thể, trong khi người bình thường sẽ tiêu hao khoảng 1300 - 1500 kcal/ngày thì người người có mức chuyển hóa năng lượng cao thường đốt cháy đến 1600 - 1800 kcal/ngày, mặc dù điều kiện sinh hoạt là như nhau.

Những người có cơ địa dễ tiêu hao năng lượng thường có biểu hiện như thân nhiệt cao, da nóng, tim đập nhanh,... Để hạn chế tình trạng này, bạn nên tránh uống nước ngọt, không sử dụng chất kích thích và bổ sung thực phẩm có tính hàn như nước dừa, đậu xanh, trứng vịt, cua đồng,... trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Do căng thẳng, mệt mỏi

Căng thẳng và mệt mỏi kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng. Thể chất và tinh thần mệt mỏi, uể oải khiến bạn luôn trong tình trạng gầy gò, ốm yếu, khó tăng cân.

Giang Thu (T/H)