Dữ liệu y khoa

Người gầy cũng có thể mắc rối loạn chuyển hóa lipid

  • Tác giả : PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam
(khoahocdoisong.vn) - Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. Bệnh mỡ máu cao không chỉ người béo mà còn có thể ở cả người gầy. Dĩ nhiên, nguy cơ ở người thừa cân, béo phì sẽ cao hơn.
Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. (Ảnh minh họa)

Máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao) là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu nhận biết người bị mỡ trong máu cao

Người bị mỡ máu cao không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh diễn biến âm thầm, khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết như:

Những cơn đau thắt ngực

Không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.

Dấu hiệu bất thường

Vã mồ hôi tự nhiên, buồn nôn đau đầu, choáng hoa mắt bứt rứt trong người; thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi.

Phát ban vàng dưới da

Da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.

Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.

Bên cạnh đó máu nhiễm mỡ còn do biến chứng của các bệnh như: đái tháo đường, hội chứng thận hư, tãng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai, một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid; chiếm khoảng 10% nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ

Có 3 nguyên nhân chính gây tăng lipid trong máu:

Tăng lipid máu do ăn

Tăng lipid máu bắt đầu 2 - 3giờ sau khi ăn nhiều mỡ, đạt mức cao nhất sau 4 - 6 giờ và tới giờ thứ 9 trở về mức bình thường.

Mức độ và thời gian tăng lipid máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại mỡ (dầu thực vật hấp thu nhanh hơn mỡ động vật), thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, hoạt tính men lipaza tụy và ruột, lượng lipid máu lúc đầu…

Tăng lipid máu do ứ đọng

Khi giảm hoạt tính men lipoprotein lipaza do tăng chất ức chế men này (protamin, axit mật, NaCl) hoặc do giảm tiết heparin (như trong bệnh xơ vữa động mạch) thấy giảm thuỷ phân triglyceride (dưới dạng chylomicron) gây tăng lipid máu.

Trong bệnh thận hư, tăng lipid máu là do các chất ức chế tiêu mỡ; ngoài ra trong bệnh này albumin huyết tương giảm, kết quả là quá trình tiêu mỡ bị ức chế và tăng lipid máu. Tăng lipid máu sau khi chảy máu cũng phát sinh theo cơ chế này. Tiêm albumin cho bệnh nhân thận hư thấy hiện tượng tăng lipid máu chấm dứt.

Tăng lipid máu do tăng huy động

Do triglyceride ở tổ chức mỡ được huy động nhiều. Tăng lipid máu do huy động có thể do những  nguyên nhân sau gây ra: dự trữ glycogen giảm (đói ăn), trạng thái căng thẳng (stress), lao động nặng, giao cảm hưng phấn, đái tháo đường (glucose không được sử dụng, lipid tăng thoái biến, lipid máu tăng tới 1000 - 2800 (mg/100ml ).

Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn…

Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn…

Tiêm glucose gây tăng đường máu có tác dụng tăng tổng hợp triglyxerit ở tổ chức mỡ do đó đã hạn chế tiêu mỡ và chấm dứt hiện tượng tăng lipid máu do huy động.

Giảm mỡ máu, chế độ ãn là ưu tiên số một

Những người bị mỡ trong máu cao cần biết kiểm soát ăn uống một cách nghiêm túc. Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh có chứa nhiều chất xơ, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Chỉ có như vậy mới làm giảm sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hoá và sẽ làm cho cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.

Nên ăn nhạt vì chế độ này có lợi cho sức khoẻ và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương.

Nên ăn các thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, ba ba, trà, dầu ngô.

Máu nhiễm mỡ không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng bởi máu nhiễm mỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não… Nặng nề hơn nữa là vỡ các mảng xơ vữa làm lấp mạch não (đột quỵ) hoặc nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Tãng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, tăng đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ngoài ra nếu triglyceride quá cao (> 1.000mg/dl) có thể gây ra viêm tuỵ cấp.

Người gầy nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh: Sử dụng rượu, bia, hút thuốc, ăn nhiều nội tạng động vật sẽ có khả năng mắc bệnh máu nhiễm mỡ cao. Chính vì thế người gầy cũng không nên chủ quan, nên đi khám sức khỏe định kỳ để nếu có bệnh có thể phát hiện sớm. 

Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện rối loạn lipid máu và có phương pháp điều trị phù hợp.

Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện rối loạn lipid máu và có phương pháp điều trị phù hợp. 

Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: tăng cường vận động, ăn giảm béo, hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, khuyến khích ăn cá nước ngọt...

Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường luôn luôn phải đặt biện pháp thay đổi lối sống lên hàng đầu, phối hợp với statin làm giảm LDL-cholesterol và triglyceride. Nên dùng thuốc hạ lipid máu loại statin cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường trên 40 tuổi ngay cả khi các thành phần lipid máu bình thường.

Bệnh nhân có nồng độ triglyceride rất cao và đường máu khó kiểm soát nên điều trị bằng insulin vì có thể kiểm soát đường máu tốt hơn các thuốc dùng theo đường uống.

 PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM)

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam