Không chỉ đồ sộ về kiến trúc, quần thể đền Prambanan còn được coi là kho tàng vô giá của nghệ thuật điêu khắc với các tác phẩm chạm trổ trên đá rất chi tiết và tinh xảo.
Tọa lạc tại tỉnh Yogyakarta, thuộc đảo Java, quần thể đền tháp Prambanan có tuổi đời hơn 1.000 năm, là đền thờ Hindu lớn nhất ở Indonesia và lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Ảnh: Wikipedia.
Bắt đầu được xây dựng từ năm 850 dưới thời vua Rakai Pikatan của vương quốc Medang, công trình kỳ vĩ này là nơi thờ Trimurti, ba vị thần tối cao của đạo Hindu gồm thần sáng tạo Brahma, thần duy trì Vishnu và thần hủy diệt Shiva. Ảnh: Migola Travel.
Trung tâm của ngôi đền này là 6 ngọn tháp có kích thước khác nhau, trong đó tháp trung tâm là tháp lớn nhất với chiều cao 47m. Bao quanh các ngọn tháp này là trên 200 ngọn tháp nhỏ khác mà hầu hết đã bị hủy hoại, chỉ còn lại phần nền móng. Ảnh: Lonely Planet.
Nhìn chung, các chi tiết kiến trúc của cụm đền Prambanan liên kết với nhau chặt chẽ trên một quy mô rất rộng lớn, cho thấy trình độ xây dựng đáng ngạc nhiên của cư dân trên đảo Java hơn 1.000 năm trước. Ảnh: Westend61.
Không chỉ đồ sộ về kiến trúc, quần thể đền Prambanan còn được coi là kho tàng vô giá của nghệ thuật điêu khắc với các tác phẩm chạm trổ trên đá rất chi tiết và tinh xảo. Ảnh: Oliwia Papatanasis.
Vào những năm 930, trung tâm chính trị của Medang được Vua Mpu Sindok dời tới Đông Java. Từ đó, đền bị bỏ rơi và hoang tàn theo thời gian. Ảnh: National Geographic.
Những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp đã che kín ngôi đền cho tới năm 1811, trong thời kỳ đô hộ ngắn ngủi của Vương quốc Anh ở Đông Ấn Hà Lan, nhà thám hiểm Colin Mackenzie đã tình cờ tìm ra Prambanan. Ảnh: Klook.
Tuy vậy, thay vì được nghiên cứu một cách nghiêm túc, trong nhiều thập kỷ, khu đền tháp trở thành nơi những người thực dân Hà Lan đến lấy các phù điêu của đền về trang trí vườn hay người dân địa phương lấy đá tảng về làm vật liệu xây dựng. Ảnh: Migola Travel.
Những khám phá của các nhà khảo cổ thiếu tâm huyết trong thập niên 1880 chỉ làm cho khu đền bị cướp phá thêm. Mãi tới năm 1918, việc tái thiết mới được bắt đầu, và phải đến năm 1930 thì việc phục chế mới đúng bài bản. Ảnh: Borobudur Park.
Ngôi đền chính được hoàn thành trong năm 1953. Các nỗ lực phục chế đến nay vẫn được tiếp tục, nhưng gặp nhiều trở ngại do quá nhiều tác phẩm bằng đá đã bị lấy mất hoặc dùng để xây dựng công trình ở nơi khác. Một số lớn đền tháp nhỏ vẫn không thể phục hồi và chỉ còn nền móng. Ảnh: Google Arts & Culture.
Dù vậy, những gì còn lại của Prambanan vẫn đủ để khiến con người thời nay choáng ngợp. Vào năm 1991, ngôi đền Hindu vĩ đại này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Daily Travel Pill.
Mời quý độc giả xem video: Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm | VTV24.