Nằm ở khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư, đền thờ Vua Lê Đại Hành là di tích lịch sử quan trọng của Di sản văn hóa thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Đây là nơi thờ Vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga và một số nhân vật lịch sử khác của nhà Tiền Lê.
Nền móng cung điện đồ sộ dưới độ sâu 0,95 mét
Đền được xây dựng từ thế kỷ 17, có kiến trúc gần giống như đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở gần đó nhưng quy mô nhỏ hơn và có một số khác biệt về trang trí kiến trúc.
Năm 1998, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật một khu vực rộng 200 mét vuông ở phía Nam khuôn viên đền. Kết quả cho thấy, dưới độ sâu 0,95 mét, những vết tích nền móng của một cung điện đồ sộ với niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10 đã lộ ra.
Từ vị trí của nền móng nằm gần khu vực đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, các chuyên gia đã xác định đây chính là cung điện trung tâm của Cố đô Hoa Lư, đầu não chính trị của đất nước Đại Việt khi mới hình thành.
Mang phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh - Lê
Những di tích được phát hiện đã hé mở phần nào diện mạo của Kinh đô Hoa Lư xưa, với thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh - Lê...
Nhiều thông tin quý giá về kỹ thuật kiến trúc của người Việt cách đây 1.000 năm đã được hé mở, như cách nung gạch, cách thức đóng cọc làm móng…
Hàng trăm hiện vật cổ đã được tìm thấy tại đây, tiêu biểu là những viên gạch lát nền được trang trí rất tinh xảo, tượng chim uyên ương tạo tác sống động, bia đá còn nguyên nét chữ khắc....
Các di vật này vẫn mang đậm màu sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, là những tiền đề cơ bản để văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời kỳ tiếp theo.
Tựu chung lại, cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực đền thờ Vua Lê Đại Hành đã đem lại nhiều tư liệu vô giá phục vụ cho việc nghiên cứu về Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê.../.