Bình luận

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiểm tra tới cấp huyện

khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, năm 2018 này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra các cấp, xuống cả huyện.

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Năm 2017 đã chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của ngành kiểm tra của Đảng. Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt cán bộ các cấp đã bị kỷ luật, đề nghị kỷ luật vì những sai phạm. Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) cho biết, để có được kết quả đó, cơ quan kiểm tra đã triển khai cách làm mới, có thể nói là chưa từng làm trước đây.

Đều phát hiện vi phạm của các tổ chức đảng khi tiến hành kiểm tra.

Sự vào cuộc rốt ráo, quyết liệt của UBKTTƯ năm qua đã đưa ra ánh sáng nhiều cá nhân, đơn vị mắc sai phạm. Xin ông cho biết những động lực nhằm cụ thể hóa hành động mạnh mẽ để có kết quả trên?

Cụ thể, từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, UBKTTƯ đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và giao cho các vụ xây dựng kế hoạch để kiểm tra với yêu cầu phải xác định chỉ tiêu cụ thể, trong năm phải kiểm tra được bao nhiêu đảng viên, cơ sở đảng khi có dấu hiệu vi phạm.

Lúc đầu, khi đưa ra Ủy ban, cách làm này còn có nhiều ý kiến băn khoăn và có sự tranh luận khá sôi nổi. Một số ý kiến đặt vấn đề tại sao lại làm như thế khi chưa biết rõ dấu hiệu là gì, chưa nhìn thấy rõ dấu hiệu, làm sao có thể xác định mục tiêu cụ thể, bao nhiêu đảng viên, bao nhiêu tổ chức đảng, có cảm giác như một sự áp đặt.

Tuy nhiên, cuối cùng qua tranh luận, cách làm này cũng đi đến được thống nhất, phải đặt ra chỉ tiêu, từng đơn vị được giao nhiệm vụ phải cụ thể chỉ tiêu đó. Kết quả vừa rồi đã cho thấy các vụ, đơn vị đều phát hiện vi phạm của các tổ chức đảng khi tiến hành kiểm tra.

Cùng với sự ráo riết trong chỉ đạo, đôn đốc và việc triển khai triệt để theo chương trình, kế hoạch cụ thể của các đơn vị, năm vừa rồi, UBKT đã kiểm tra 25 đảng viên và 13 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, phát hiện và xử lý 33 trường hợp.

Có thể khẳng định, việc triển khai Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng là định hướng cơ bản, quan trọng, tạo bước ngoặt xung quanh việc ban hành các quy định về kiểm tra, giám sát tới việc thể chế hóa thành chương trình hành động, tất cả đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy nhiều sai phạm chỉ được đưa ra ánh sáng khi UBKTTƯ vào cuộc. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” sẽ được xử lý ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, từ sau khi triển khai Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng đã tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với việc ban hành các quy định về kiểm tra, giám sát.

Kiểm tra đảng viên là nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, nhiệm kỳ nào cũng phải làm và làm thường xuyên. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ và nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng ở mỗi giai đoạn, nhiệm vụ cụ thể có những yêu cầu khác nhau. Thời kỳ sau có thể kiểm tra nhiều, thời kỳ trước kiểm tra ít. Không phải không dám kiểm tra mà vì thực hiện theo yêu cầu. Lúc trước, UBKTTƯ được yêu cầu tập trung vào một số vụ khác bên cạnh việc kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm theo phân công và chức năng nhiệm vụ.

Hiện người làm nhiệm vụ kiểm tra chỉ hơn 100 biên chế. Với số đối tượng nhiều như thế thì không thể kiểm tra hết được, do vậy chúng tôi phải lựa chọn, cân nhắc, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm nếu không việc kiểm tra sẽ trở nên tràn lan, thiếu chất lượng.

Phát biểu trên một số diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ công tác kiểm tra thời gian qua còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cụ thể là Trung ương đã làm nhưng tỉnh vẫn chưa “động đậy”, nhiều tỉnh còn chưa triển khai. Do vậy, năm 2018, UBKTTƯ xác định sẽ tăng cường kiểm tra có trọng tâm, đối tượng tập trung kiểm tra vẫn là đảng viên và tổ chức đảng; đảng viên thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; tổ chức đảng trực thuộc trung ương. Lĩnh vực kiểm tra vẫn tập trung vào những nội dung dễ phát sinh vi phạm như công tác cán bộ, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng…

Đặc biệt, để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, UBKTTƯ sẽ tiến hành kiểm tra cách cấp, có thể kiểm tra một số đơn vị trực thuộc tỉnh như huyện, qua đó rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng để triển khai diện rộng. Đây sẽ là nét mới trong hoạt động kiểm tra của năm 2018.

Theo tinh thần chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, thành viên thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị tổng kết thanh tra giám sát năm 2017, thời gian tới, UBKT các cấp triển khai toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp trên.

Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, trước hết là lựa chọn đúng đối tượng kiểm tra giám sát, tập trung vào vấn đề trọng điểm dễ phát sinh vi phạm: Công tác cán bộ, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, cổ phần hóa DNNN…

Phải nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, không nể nang né tránh, qua kiểm tra phải làm rõ vi phạm và quyết định thi hành kỷ luật nghiêm minh. Các địa phương, đơn vị chọn vụ việc điển hình để kiểm tra, chỉ đạo thực hiện đến cùng.

Khi cần thiết, kiểm tra cách cấp, làm để tổ chức đảng cấp dưới tin tưởng, quyết tâm, đồng lòng thực hiện trong toàn đảng. Nâng cao tính chủ động, đi trước trong công tác kiểm tra giám sát của Đảng; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu tại nố cáo của đảng viên và nhân dân.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm con em lãnh đạo trái quy định.

Hàng loạt cán bộ bị xử lý cho thấy công tác cán bộ còn nhiều lỗ hổng. Theo ông, có cách gì để “lấp” được lỗ hổng này?

Qua công tác kiểm tra thời gian qua đã phát hiện một loạt sai phạm liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Sau khi UBKTTƯ thực hiện, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết quả cho thấy khá rõ, từ đó cũng cho thấy rõ ràng công tác cán bộ còn những hạn chế.

Vừa rồi, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư có một loạt đổi mới xung quanh việc phân cấp về quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Những quy định đó đề xuất các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm con em lãnh đạo trái quy định, trái thẩm quyền; quy định về phân công, phân cấp rõ về trách nhiệm của người giới thiệu, trách nhiệm của tổ chức đảng thường trực, thường vụ và của cơ quan tham mưu… Đó là những yếu tố tạo nên sự thay đổi căn bản.

Tôi không hy vọng những quy định đó có thể ngăn chặn được tất cả, nhưng những biện pháp đó sẽ góp phần hạn chế dần những tiêu cực trong công tác cán bộ. Cơ chế về công tác cán bộ có liên quan đến rất nhiều cơ quan. Nói đến công tác cán bộ có rất nhiều nội dung, từ việc tiếp nhận, luân chuyển, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, có những khâu thuộc về chủ quan.

Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, theo tôi là khá đầy đủ và bài bản, quy định rất rõ về trách nhiệm của từng bộ phận để có thể ngăn chặn được những bất cập, hạn chế trong công tác cán bộ mà trước đây chưa hề có quy định cụ thể.

Xin cảm ơn ông.

Theo Hà Thanh (VOV.VN)