Làm đẹp

Uống hormon tuyến giáp quá liều... chữa bệnh nọ xọ bệnh kia

  • Tác giả : Thúy Nga
Nhắc đến phẫu thuật tuyến giáp, nhiều người nghĩ ngay tới việc phải uống hormon thay thế cả đời. Nhưng hầu hết các bệnh nhân sau mổ cắt 1 thùy tuyến giáp không cần phải bổ sung hormon tuyến giáp thay thế.

“Hướng dẫn quốc tế về điều trị bướu nhân tuyến giáp mới nhất khuyến cáo không nên điều trị đại trà bằng L-Thyroxin để ức chế TSH cho mọi bệnh nhân. Mặc dù một số bệnh nhân có đáp ứng, nhưng các tác dụng phụ có hại thường nhiều hơn lợi, ví dụ như rung nhĩ, loãng xương...”, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Điều trị sai gây hại

TS.BS Nguyễn Quang Bảy cho biết, trong một chuyến đến khám cho bà con một xã ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, ông có gặp 6 bệnh nhân điều trị tuyến giáp thì có tới 5 người điều trị sai.

Theo đó, 6 bệnh nhân đều là nữ, tuổi từ 30-55, đã cắt tuyến giáp gồm 5 trường hợp là do u tuyến giáp lành tính và 1 trường hợp là Basedow. Tất cả đều được cho điều trị Disthyrox 100µg (có thành phần chính là Levothyroxine L-T4)/ngày.

TS.BS Bảy phân tích, không phải mọi bệnh nhân sau mổ tuyến giáp đều cần bù L-T4, vì đa phần chỉ là mổ lấy u hoặc cắt một phần, nên phần tuyến giáp còn lại có thể vẫn tiết đủ lượng hormon cơ thể cần, nhất là ở người lớn tuổi. 5 bệnh nhân được làm siêu âm đều vẫn còn phần tuyến giáp khá nhiều.

Các thể của ung thư tuyến giáp

Các thể của ung thư tuyến giáp

Liều hormon L-T4 cho bệnh nhân cắt toàn bộ tuyến giáp trung bình là 1,6-1,7µg/kg/ngày. Nghĩa là với người 50kg thì chỉ cần 80-85 µg/ngày. Nếu cho uống cả viên 100 µg thì sẽ quá thừa. Bệnh nhân số 2 chỉ nặng 43kg cũng được cho uống 1 viên 100 µg/ngày là quá cao, nhất là siêu âm thấy vẫn còn một phần tuyến giáp. Lưu ý là điều trị thừa (gây nhiễm độc giáp) sẽ có hại nhiều hơn so với điều trị thiếu (vẫn bị suy giáp nhẹ).

Đặc biệt hơn, 1 cán bộ y tế xã đã cắt tuyến giáp và đang dùng L-T4, xét nghiệm thấy TSH thấp, nghĩ là bị thiếu nên đã uống tăng liều mà không biết TSH thấp có nghĩa là lượng hormon người bệnh đang uống quá cao sẽ ức chế tuyến yên giảm tiết TSH. Vì vậy, người bệnh này cần giảm liều mới đúng.

“Khoảng 95% các bệnh nhân bướu nhân tuyến giáp là lành tính. Không ít người trong số này được cho dùng hormon tuyến giáp L-Thyroxin, nhất là những người có bướu nhân to, mục đích làm giảm thấp nồng độ TSH với hy vọng có thể làm nhỏ được u giáp.

Tuy nhiên, hướng dẫn quốc tế về điều trị bướu nhân tuyến giáp mới nhất của Hội Tuyến giáp Hoa Kỳ năm 2015 khuyến cáo, không nên điều trị đại trà bằng L-Thyroxin để ức chế TSH cho mọi bệnh nhân. Mặc dù, một số bệnh nhân có đáp ứng vừa phải, nhưng các tác dụng phụ có hại thường nhiều hơn lợi, ví dụ như rung nhĩ, loãng xương”, TS Bảy nhấn mạnh.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp - Ảnh BVCC

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp - Ảnh BVCC

Không phải cứ mổ giáp là uống hormon, cẩn thận biến chứng nguy hiểm

Theo ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cứ nhắc đến phẫu thuật tuyến giáp là nhiều người nghĩ ngay tới việc phải uống hormon thay thế cả đời. Thực tế, mổ tuyến giáp có nhiều loại: có thể chỉ lấy u, có thể cắt bán phần tuyến giáp (cắt thùy, cắt thùy + eo giáp, hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp). Tùy theo cách thức mổ sẽ biết được nguy cơ phải uống hormon thay thế hay không.

Những trường hợp bắt buộc phải cắt toàn bộ như: quá nhiều u lành tính, ung thư không phải giai đoạn sớm.... cắt toàn bộ tuyến giáp thì nhất định phải uống hormon thay thế cả đời.

Còn cắt bán phần tuyến giáp đa phần không phải dùng thuốc. Nghiên cứu trên 335 bệnh nhân mổ cắt 1 thùy tuyến giáp do ung thư (thời gian theo dõi trung bình 56,2 tháng) cho thấy, sau mổ có 215 bệnh nhân (64,2%) có tình trạng suy giáp, trong đó hầu hết các bệnh nhân (62,7%) là suy giáp dưới lâm sàng (không có triệu chứng lâm sàng, chỉ phát hiện trên xét nghiệm hormon).

Quá trình theo dõi, gần 70% số bệnh nhân đó không cần uống hormon thay thế, chỉ cần theo dõi và tình trạng hormon dần trở về bình thường.

ThS.BS Tuấn nhấn mạnh, Levothyroxin thường được dùng đường uống. Liều dùng phải được điều chỉnh cẩn thận theo nhu cầu và đáp ứng của mỗi người bệnh. Vì liều lượng của thuốc có thể thay đổi theo thời gian, tuổi tác, tình trạng đáp ứng thuốc của cơ thể.

Người bệnh cần tái khám, kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi các chỉ số TSH, fT3, fT4, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng giai đoạn. Người bệnh không nên tự ý tăng liều lượng thuốc vì có thể gây ra tác dụng phụ như: Tim đập nhanh, loạn nhịp, thèm ăn, mất ngủ, run tay chân...

Khi sử dụng thuốc Levothyroxine, ở một số người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng cường giáp với các biểu hiện như: Sụt cân, đánh trống ngực, hồi hộp, dễ kích thích, tiêu chảy, co cứng bụng, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, run, đau đầu, mất ngủ, không chịu được nóng, sốt...

Nếu uống chưa đủ liều hormon so với nhu cầu của cơ thể (nhược giáp) có thể xuất hiện một số triệu chứng như: Mệt mỏi, yếu cơ, táo bón, khô da, tăng cân, nhịp tim chậm, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh. Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp các triệu chứng trên, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ biết để có biện pháp xử lý.

Đặc biệt, một số thuốc khác có thể có tương tác với hormone tuyến giáp gây giảm hoặc tăng sự hấp thu hormon ví dụ thuốc tránh thai, estrogen, testosterone, một số thuốc chống trầm cảm, chống co giật.

Một số sản phẩm có thể ngăn cản sự hấp thu tối đa của hormone tuyến giáp như sắt, canxi, đậu nành, kháng axit và thuốc giảm mỡ máu…khiến cho các bệnh nhân vốn trước đó đã được kiểm soát tốt khi dùng thuốc có thể bị nhược giáp hoặc cường giáp. Canxi là loại hay gặp nhất. Các dạng của canxi gắn với hormon tại ống tiêu hóa, làm ức chế sự hấp thu của hormon.

Do đó, nếu cần uống thuốc khác kèm theo hormon tuyến giáp, nên uống cách xa thời điểm uống hormon ít nhất 2 giờ.

Ngoài ra, Levothyroxin được chuyển hóa chủ yếu tại gan. Vì vậy, người bệnh nên uống thêm các thuốc bổ gan nếu có bệnh lý gan kèm theo, hoặc có dấu hiệu tăng men gan trên xét nghiệm trong quá trình dùng thuốc.

Dấu hiệu người bệnh bị thiếu hormon tuyến giáp:

- Cơ thể mệt mỏi thường xuyên.

- Thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt, đãng trí.

- Có biểu hiện trầm cảm.

- Da và tóc bị khô.

- Tâm trạng thay đổi thất thường.

- Rối loạn kinh nguyệt.

- Tay chân lạnh, cảm thấy vô cùng lạnh trong mùa đông và nóng quá mức trong mùa hè...

Thúy Nga