Dinh dưỡng

Uống nước ép cẩn thận “thải độc” thành hại thận, mất cân bằng cơ thể

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn
Nước ép rau củ, trái cây tươi được xem là “thức uống vàng” cho sức khỏe, giúp thanh lọc, làm đẹp da, bổ sung vitamin và chất chống oxy hóa. Nhưng uống liên tục có thể đối mặt với nhiều hệ lụy.

Mất cân bằng dinh dưỡng

Khi dùng nước ép thay cho bữa ăn chính hoặc dùng quá nhiều trong ngày, cơ thể sẽ thiếu hụt đạm, chất béo lành mạnh và các khoáng chất thiết yếu. Điều này làm giảm khả năng tái tạo mô, gây sụt cân mất kiểm soát, mệt mỏi, thiếu năng lượng, thậm chí rối loạn nội tiết nếu kéo dài.

Quá tải đường và gây rối loạn đường huyết

Ngay cả khi bạn chỉ dùng nước ép từ trái cây tự nhiên, lượng đường trong đó (dưới dạng fructose) vẫn cao. Khi tách khỏi chất xơ, đường trong nước ép được hấp thu rất nhanh, làm tăng đột ngột đường huyết và insulin. Về lâu dài, điều này có thể gây rối loạn đường huyết, tăng mỡ bụng hoặc nguy cơ tiền tiểu đường.

Uống nước ép cẩn thận “thải độc” thành hại thận, mất cân bằng cơ thể - Ảnh minh họa

Uống nước ép cẩn thận “thải độc” thành hại thận, mất cân bằng cơ thể - Ảnh minh họa

Tổn thương thận do oxalat từ rau củ

Một số loại rau củ thường dùng để ép như rau bina, củ dền, cải xoăn chứa hàm lượng oxalat cao – một hợp chất có thể kết tinh thành sỏi nếu tích tụ quá mức.

Khi uống nước ép từ các loại rau này liên tục, không cân đối, thận sẽ bị quá tải trong việc lọc oxalat, dễ dẫn đến sỏi thận hoặc suy giảm chức năng thận ở người nhạy cảm.

Rối loạn tiêu hóa và mất cân bằng điện giải

Nước ép rau củ không chứa đủ chất xơ để duy trì nhu động ruột ổn định. Uống liên tục có thể gây tiêu chảy nhẹ, đi phân lỏng, đầy bụng, lạnh bụng. Nếu không bổ sung khoáng và muối khoáng hợp lý, còn có thể gây mất cân bằng điện giải, mệt lả, chóng mặt, đặc biệt ở người ăn uống kém.

Vậy uống nước ép thế nào cho đúng?

– Không nên thay hoàn toàn bữa ăn bằng nước ép. Hãy dùng như một phần hỗ trợ, kết hợp với chế độ ăn đầy đủ đạm – chất béo – chất xơ.

– Uống không quá 1 ly/ngày, ưu tiên kết hợp giữa rau củ và trái cây để giảm lượng đường.

– Không uống nước ép lạnh buốt, không dùng khi bụng đói, đặc biệt là người có cơ địa hàn, tiêu hóa yếu.

– Với các loại rau chứa oxalat cao, nên luân phiên thay đổi, không ép lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Như vậy, có thể thấy rằng nước ép tốt – nhưng chỉ khi chúng ta sử dụng đúng liều lượng, đúng cách và đúng người.

Đừng để một thói quen tưởng như lành mạnh lại âm thầm ảnh hưởng tới gan, thận, tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.

“Thải độc” quá mức có thể chính là điều khiến cơ thể rơi vào trạng thái... quá tải.

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia)

ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn