Giáo dục

Ứng viên “trượt” vì không gửi kiến nghị kịp thời?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Theo ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, HĐGSNN chỉ nhận kiến nghị của ứng viên từ hội đồng ngành. Tuy nhiên, ứng viên cho biết, hội đồng ngành yêu cầu ứng viên gửi thẳng kiến nghị lên HĐGSNN.

Ứng viên thắc mắc nhưng không có kiến nghị ngay

Mới đây, ứng viên H. đã có kiến nghị tới Báo KH&ĐS và Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) về việc đã bị Hội đồng ngành của mình đánh “trượt”, không cho báo cáo vì lý do thiếu thâm niên.

Theo ứng viên này, trường hợp của mình bị “trượt oan”. Bởi vì, theo quyết định 37/2018/QĐ-TTg ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên được phép bù năm thiếu thâm niên bằng việc gấp đôi điểm bài báo khoa học. Và mới đây, trong trả lời Báo KH&ĐS, ông Trần Anh Tuấn khẳng định điều này là được phép và hoàn toàn đúng quy định đã được ghi trong quyết định 37.

Tuy nhiên, cũng trả lời phóng viên Báo KH&ĐS liên quan đến vụ việc, Hội đồng ngành trả lời rằng việc Hội đồng ngành loại hồ sơ của ứng viên H. với lý do thiếu thâm niên là đã làm theo đúng quy định của HĐGSNN.

Vậy, trường hợp thiếu thâm niên, không đạt chuẩn “cứng” của ứng viên H. sẽ được giải thích thế nào?

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về trường hợp này, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN cho biết, thứ nhất, chiếu theo quyết định 37, quy định “cứng” thì ứng viên phải có đủ 6 năm thâm niên đối với chức danh phó giáo sư. Khi không đủ thâm niên mới được bù điểm từ bài báo khoa học. Theo quy định này, hồ sơ của ứng viên H. đã không đạt được tiêu chuẩn cứng.

Thứ hai, khi thấy “không phục” với quyết định của Hội đồng ngành, nhưng ứng viên lại không có kiến nghị ngay. Cho đến thời điểm này, HĐGSNN không nhận được kiến nghị gì của ứng viên từ phía Hội đồng ngành chuyển lên. Vì vậy, ứng viên H. đã không đủ điều kiện để xét ở hội đồng cấp cao nhất.

Hiện giờ HĐGSNN đã bỏ phiếu, mọi thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ dưới dạng trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, ứng viên H. lại không có trong danh sách đặc biệt để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐGSNN.

Ông Tuấn cho biết, trước đây cũng có trường hợp ứng viên có 3 năm đầu là cán bộ ở phòng thí nhiệm, không đủ điều kiện thâm niên. Tuy nhiên, khi nghe phân tích quy định thì ứng viên đã làm đơn xin rút hồ sơ.

Về việc ứng viên thắc mắc có được bổ sung thêm thâm niên sau khi đã nộp hồ sơ hay không, bởi do đã được Hội đồng cơ sở thông qua, nên ứng viên đã “chủ quan”, cho rằng với thâm niên như vậy, mình hoàn toàn đủ điều kiện cứng, không ngờ lên đến Hội đồng ngành lại “trượt”, ông Tuấn cho biết, điều đó là không thể.

Bởi vì, theo quy định, sau khi nộp hồ sơ, những thông tin ứng viên khai, chưa được minh chứng thì được quyền bổ sung để làm rõ hơn thông tin mà ứng viên đã khai. Chứ không được bổ sung mới. Những thông tin mới trong bản đăng ký bổ sung, các hội đồng sẽ không chấp nhận.

Ví dụ, thiếu bằng thạc sĩ, bằng đại học thì có thể bổ sung để chứng minh những điều đã khai trong hồ sơ, chứ không phải khai mới. Còn trong trường hợp bổ sung minh chứng mới, là thêm thời gian thâm niên thì Hội đồng ngành không chấp nhận.

Kiến nghị phải đúng quy trình

Ông Tuấn cho biết, trong quyết định 37, có rất nhiều điều khoản liên quan với nhau. Vì vậy, nếu ứng viên chỉ đọc một khoản thì không hiểu được cặn kẽ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới các thắc mắc, như sao cùng là thiếu thâm niên, nhưng một số trường hợp lại đạt đủ điều kiện còn người khác lại không?

Theo ông Tuấn, đây cũng là trường hợp để rút kinh nghiệm đối với ứng viên nói chung. Theo đó, khi ứng viên thấy không hiểu thì phải thắc mắc và phải hỏi để HĐGSNN hướng dẫn kỹ hơn.

HĐGSNN cũng có mục hỏi đáp trực tuyến trên trang web của HĐGSNN nhiều tháng liền. Giả sử ứng viên hỏi, được giải đáp thì có thể ứng viên sẽ hiểu.

Trong vụ việc này, có một phần do lỗi do Hội đồng ngành, không lý giải rõ ứng viên thiếu thâm niên như thế nào. Nhưng trách nhiệm, lỗi một phần cũng thuộc về ứng viên. Lẽ ra, ứng viên phải là nghiên cứu kỹ quy chế, không hiểu thì phải hỏi.

Theo ông Tuấn, ứng viên H. cũng đã từng đề nghị HĐGSNN cho được bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, HĐGSNN đã không chấp nhận bởi vì không đúng quy trình. Đúng quy trình phải là từ Hội đồng ngành chuyển lên.

Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi lại những thông tin mà HĐGSNN trả lời với ứng viên H., thì ứng viên H. cho rằng, khi có thắc mắc, ứng viên H. cũng được Hội đồng ngành trả lời là gửi thẳng kiến nghị lên HĐGSNN, vì Hội đồng ngành đã làm đúng theo quy định của HĐGSNN rồi, và việc giải quyết những thắc mắc như thế này sẽ thuộc thẩm quyền của HĐGSNN. Vậy HĐGSNN lại trả lời phải từ Hội đồng ngành đưa lên, thì thực chất quy trình ở đây là gì? Vì sao lại có sự trả lời "bất nhất" như vậy? Đặc biệt, việc ứng viên bị “loại” hồ sơ ở Hội đồng ngành là vì lý do gì?

KH&ĐS tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mai Nguyễn