Giáo dục

Tuyển sinh 2020: Thận trọng khi chọn ngành mới

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Mùa tuyển sinh 2020, các trường ĐH mở nhiều ngành mới, nhằm thu hút thí sinh. Theo các chuyên gia, cần có sự thận trọng trong lựa chọn ngành mới.

Nhiều ngành mới, nhiều lựa chọn

Mùa tuyển sinh 2020, các trường đã bắt đầu công bố kế hoạch tuyển sinh của mình. Thử “dạo” qua một vòng thì thấy, hầu hết các trường năm nay đều mở thêm nhiều ngành mới.

Trong 10.000 chỉ tiêu dự kiến sẽ tuyển sinh năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mở thêm 17 ngành học mới cho các đơn vị thành viên. Đó là khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học, quản lý phát triển đô thị và bất động sản, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, kinh tế phát triển…

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Quan hệ quốc tế và Kinh doanh quốc tế.

Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới bao gồm các chuyên ngành Tiếng Nhật Thương mại, Tiếng Trung Thương mại, Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn.

Năm 2020, Trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, những ngành như quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.

Phía Nam, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng mở thêm 6 ngành mới bao gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Vật lý y khoa, Kỹ thuật địa chất, Toán ứng dụng, Toán tin.

Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì dự kiến mở thêm 5 chương trình mới ở hệ chất lượng cao: Kỹ thuật hàng không, kỹ thuật y sinh, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử (chuyên ngành kỹ thuật robot) và khoa học máy tính (tiếng Nhật).

Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM mở thêm ngành có tên “Hệ thống nhúng và IoT” (Internet of Things).

Lãnh đạo nhà trường cho biết, mạng lưới thiết bị kết nối internet là thuật ngữ phổ biến trong những năm gần đây và được xem là chìa khoá mở cánh cửa công nghệ tương lai. Tất cả thiết bị hiện nay không còn là thiết bị điện đơn giản như xưa mà đều kết nối internet.

Vì điều này, IoT là một trong những chuyên ngành có tính ứng dụng cao và sẽ có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế số mọi quốc gia. Nhu cầu nhân lực lĩnh vực này khá lớn nên trường quyết định mở ngành để đào tạo người thiết kế, chế tạo các thiết bị này.

Thận trọng khi chọn ngành mới

Có thể thấy một điểm chung, là các ngành mới mở này đều theo xu hướng những nghề nghiệp được dự báo “hot” trong tương lai, thêm nhiều lựa chọn cho thí sinh trong mùa tuyển sinh này.

Tuy nhiên, không ít thí sinh băn khoăn khi lựa chọn các ngành mới ở các trường, đặc biệt là có những ngành bản thân các em cũng chưa hình dung ra được sau sẽ làm gì.

Trao đổi với KH&ĐS, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khi chọn ngành, điều quan trọng đầu tiên là các em có thích ngành đó hay không. Chứ nếu ngành mới, mà không thích thì cũng nên thận trọng. Vì làm một công việc mà mình không thích, sẽ khó có sự phát triển, có kết quả tốt.

Thứ hai là phải xem xét ngành đó ở trường nào. Cần lựa chọn những cơ sở đào tạo có uy tín, có chất lượng để theo học. Bởi cùng một ngành đào tạo, nhưng chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo sẽ khác nhau.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2020, có 8 nhóm ngành nghề dự kiến sẽ thu hút nhiều nhân lực. Trong đó, nổi bật là các nhóm ngành Công nghệ thông tin - Điện tử; Cơ khí - Tự động hóa; Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn…  

Đánh giá về việc mở các ngành mới, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trong các lĩnh vực khác đã dự báo về xu hướng dịch chuyển ngành nghề.

Theo đó, nhóm ngành cũ mất đi thì ngành mới lại xuất hiện. Điều này cũng đúng với xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.

Khoảng 5 – 10 năm tới, sự dịch chuyển nghề nghiệp sẽ khá mạnh. Còn trong khoảng 20 năm tới, lượng dịch chuyển sẽ rất lớn. Chính vì vậy, việc đào tạo cũng phải dịch chuyển theo hướng đó. Các trường cũng phải đón đầu các xu thế và tạo ra các liên ngành, các ngành mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc các trường ồ ạt mở cũng dẫn đến dẫn tới thị trường nhân lực bị bão hòa trong tương lai.

Chính vì vậy, các thí sinh cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn ngành học cho mình. Không nên vì “tâm lý đám đông”, chọn một ngành học chỉ vì nó “hot”. Để rồi, sau khoảng 5 – 10 năm nữa, lại dẫn tới khó tìm được việc làm. Hoặc phải cạnh tranh cao.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết, sinh viên ra trường có việc làm hay không là một tiêu chí được xã hội quan tâm.

Mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng và phải xây dựng cho mình một phân khúc về đào tạo, chất lượng khác nhau mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển.

Nếu một trường nào đó mở một ngành mà trường nào cũng mở được, chất lượng không hơn những trường khác thì sẽ bị cạnh tranh.

Ngoài ra, nếu mở ngành mới và đào tạo không gắn với thị trường, sinh viên không có việc làm, các trường sẽ tự hạ thấp uy tín của mình.

Việc tư vấn chọn ngành, chọn trường cần “cá nhân hóa”, tùy vào trường hợp cụ thể thì tư vấn sẽ tốt và chính xác hơn. Cho nên, các thí sinh nên tới các ngày hội tuyển sinh, hoặc các buổi tư vấn tuyển sinh do nhà trường tổ chức để được tư vấn kỹ, từ đó, sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho mình.

Mai Nguyễn