Đời sống

Tung tin đồn mẹ con sản phụ tử vong do sinh thuận tự nhiên bị xử lý thế nào?

Nếu người tung tin đồn mẹ con sản phụ tử vong do sinh thuận tự nhiên trái phép đủ tuổi thành niên và hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng…

Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đơn vị cùng hỗ trợ, vào cuộc xác thực, xử lý những thông tin thất thiệt xung quanh phương pháp “sinh con thuận tự nhiên” được đăng tải trên mạng xã hội thời gian qua.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công An điều tra xác minh mức độ xác thực về các trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên” đã được đăng tải trên mạng xã hội; đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm chứng độ xác thực thông tin từ tài khoản Facebook Minh Phương – người tung tin đồn mẹ con sản phụ tử vong sau khi sinh con thuận tự nhiên và hôm 14/3 khiến dư luận xôn xao.

Nếu xác định thông tin “hai mẹ con tử vong vì sinh thuận tự nhiên” là bịa đặt, vu khống sẽ có biện pháp xử phạt đúng pháp luật.

sinh con thuận tự nhiên

Người lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện phương pháp sinh đẻ “thuận tự nhiên” này sẽ có thể bị khởi tố về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp hoặc tội vô ý làm chết người.

Trao đổi với Kiến Thức, ThS. LS. Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội nhận định: Hành vi tuyên truyền, lôi kéo người khác thực hiện phương pháp sinh con thuận tự nhiên này mà gây hậu quả nghiêm trọng chết người, thì người lôi kéo, dụ dỗ người khác thực hiện phương pháp sinh đẻ này sẽ có thể bị khởi tố về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp hoặc tội vô ý làm chết người.

Cụ thể, theo ThS. LS. Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, cơ quan công an có thể vào cuộc để xác minh thông tin về hai mẹ con nạn nhân được nhắc đến trong thông tin đó.

Nếu thông tin về hai mẹ con sinh thuận tự nhiên là có thật nhưng không có sự việc là hai mẹ con bị chết, còn đối tượng tung tin đó nhằm mục đích “Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, thì hành vi này sẽ bị xử lý về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trường hợp thứ 2, nếu kết quả xác minh cho thấy thông tin về hai mẹ con tử vong là hoàn toàn bịa đặt, không có ai có thông tin và sự việc như thế thì hành vi của người tung tin là vi phạm về bưu chính, viễn thông, về đưa tin trái phép trên mạng internet. Trong trường hợp này cơ quan công an sẽ xác định danh tính của người đưa tin và đánh giá những hệ lụy của thông tin này để đánh giá mức độ xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Nếu người tung tin trái phép này đủ tuổi thành niên và hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…”.

Còn nếu việc tung tin đồn nêu trên gây hậu quả hoang mang, hoảng loạn trong xã hội, hậu quả được xác định là nghiêm trọng thì người tung tin đồn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh thuộc nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông quy định tại Mục 2, Bộ luật hình sự năm 2015, như tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS cụ thể như sau:

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Cường cho rằng, qua sự việc trên cho thấy thế giới ảo nhưng có thể là hình phạt thật. Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội gây thiệt hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc gây hoang mang, lo sợ trong cộng đồng, tổn hại với lợi ích chung của nhiều người thì hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc về mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Có những trường hợp đưa tin giật gân để câu view, câu like… nhưng không ngờ hậu quả cho xã hội lại rất nghiêm trọng, điều đó đồng nghĩa với việc người tung tin đồn sẽ bị xử lý theo pháp luật tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả.

Theo Hồng Liên (Kiến Thức)