Giáo dục

Từ việc chỉ 1 học sinh đi học trực tiếp: Cửa trường mở, “cửa nhà” lại đóng?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
Sự việc chỉ 1 học sinh đến trường học trực tiếp đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận về việc có nên tiếp tục giữ con ở nhà học trực tuyến thay vì đến trường.

Phụ huynh chọn cho con ở nhà thay vì đến trường

Bắt đầu từ ngày tuần này, 6/12, Hà Nội cho phép học sinh lớp 12 thuộc vùng 1, 2 được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, không ít trường đã quyết định lùi thời điểm cho học sinh trở lại trường do ý kiến lo ngại từ phía các phụ huynh.

Đối với một số trường, dù đã tổ chức hoạt động dạy trực tiếp nhưng đã có không ít phụ huynh vẫn lựa chọn cho con ở nhà, tiếp tục học trực tuyến thay vì đến trường.

Đặc biệt, ngày 9/12, sự việc chỉ có 1 học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông đến trường, và trường vẫn dạy học như bình thường đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

1-hoc-sinh-di-hoc-truc-tiep.jpg
Ngày 9/12, sự việc chỉ có 1 học sinh của Trường THPT Trần Nhân Tông đến trường.

Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Trần Nhân Tông giải thích, hiện nay, Trường vẫn đang dạy song song cả trực tiếp và trực tuyến. Hiện nay, tình hình dịch đang căng thẳng, một số học sinh cư trú ở khu vực 3 nên phụ huynh lo ngại, đã chọn hình thức học trực tuyến cho con em mình, dẫn đến việc chỉ có 1 học sinh đến trường học trực tiếp như hôm nay.

Một phụ huynh Trường THPT Việt Đức cho biết, sau khi con chị đến trường học 1 buổi trực tiếp thì chị đã quyết định cho con ở nhà tiếp tục học trực tuyến.

Lý do là vì chị cảm thấy sức khỏe của con còn mệt sau khi tiêm vắc xin. Nhưng quan trọng hơn là, trong lúc tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, chị muốn cho con tiếp tục học trực tuyến.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ cũng đã lựa chọn cho con ở nhà học trực tuyến, dù biết đến trường học trực tiếp sẽ tốt hơn cho con.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh bức xúc cho rằng, đã xác định “bình thường mới”, chung sống với dịch, phụ huynh la cà phố xá, đi khắp nơi, thì tại sao lại tự “đóng cửa nhà”, ngăn không cho con đến trường? Dịch chưa biết khi nào mới kết thúc, vậy các bố mẹ định giữ con đến bao giờ?

Học sinh cần được đến trường nhưng phải đổi mới cách dạy

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều cha mẹ học sinh còn tâm lý e ngại nên không dám cho con trở lại trường.

Với những trường hiện dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT sáng 8/12, Sở GD&ĐT đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường cần thể hiện rõ trách nhiệm.

Theo đó, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh về phòng, chống dịch của nhà trường để giúp họ yên tâm; mặt khác, phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc đi học trực tiếp.

Ông Tiến cho hay, khi UBND thành phố đã quyết định cho học sinh trở lại trường thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh, dù ở đâu đó số lượng này là rất nhỏ.

Ông Tiến đánh giá, cách làm của Trường THPT Trần Nhân Tông là điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.

Sau 1 tuần triển khai cho học sinh đến trường học trực tiếp, trao đổi với PV KH&ĐS, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, trường cho phụ huynh tự lựa chọn phương án cho con đến trường trên cơ sở có sự tư vấn từ phía các giáo viên.

hoc-sinh-truong-thpt-nguyen-gia-thieu-trong-tiet-hoc-truc-tiep.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đến trường học trực tiếp.

Trường đã trang bị camera cho mỗi lớp để phục vụ cho việc học trực tuyến song song với học trực tuyến, để các em lựa chọn học trực tuyến tại nhà vẫn hoàn toàn có thể không bị ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Tuy nhiên, theo ông Kiên, đến trường học trực tiếp vẫn sẽ tốt hơn. Hiện nay, học sinh đã được triển khai tiêm văcxin, và các nhà trường cũng đã lên các phương án chặt chẽ trong việc phòng chống dịch. Chính vì thế, cũng rất cần sự đồng thuận từ phía các phụ huynh, làm sao để các con được an tâm đến trường học tập.

Trong khi đó, trao đổi với KH&ĐS, một giáo viên dạy THPT tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội nên có phương án linh hoạt về thời khóa biểu trong giai đoạn này, chứ không nên học theo giống như “bình thường cũ”.

Theo đó, không nên học trực tiếp tất cả các môn, và phân ra ngày chẵn, lẻ như hiện nay mà cần xem xét, xem môn nào phù hợp với dạy trực tuyến thì tiếp tục cho học trực tuyến. Còn đối với những môn cần phải học trực tiếp thì cho học sinh đến trường học.

“Ví dụ những môn như Văn, Sử, Địa có thể cho học sinh tiếp tục học online. Còn một số môn khác thì học trực tiếp. Dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, và trong lúc này, không thể áp nguyên thời khóa biểu như bình thường, cách dạy như bình thường vào được, cần có sự linh hoạt”, giáo viên này nói.

Giáo viên này cũng cho rằng, học sinh đến trường thì phải dạy, tuy nhiên, thay vì biểu dương cách làm của Trường THPT Trần Nhân Tông thì nên tìm cách làm sao để phụ huynh cảm thấy yên tâm và an toàn khi cho con đến trường sẽ tốt hơn là dù chỉ có 1 học sinh duy nhất đến trường cũng dạy.

Ngày 4/12, Sở Y tế phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành hướng dẫn liên ngành để đảm bảo an toàn khi đón học sinh THPT trở lại trường, trong đó có hướng dẫn xử lý khi có F0 trong trường học. Theo hướng dẫn, khi có F0, có thể phong tỏa tạm thời trường học. Sau đó, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương sẽ quyết định trường học có tiếp tục hoạt động hay không. Đây cũng là nội dung gây tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng, việc phong tỏa toàn bộ trường học hay có thể dừng hoạt động trường không phù hợp với chủ trương “bình thường mới”, cần phải có sự điều chỉnh quy định này.

Mai Nguyễn