Giáo dục

Trượt lớp 10 công lập, có nên học trường nghề?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Những học sinh trượt lớp 10 công lập, sức học trung bình, có thể chọn học nghề, ra trường có việc làm ngay, thu nhập khá.

Không xác định học đại học thì nên học trường nghề

Kết thúc môn thi cuối cùng, kỳ thi lớp 10 THPT, em Nguyễn Thành An (Hà Nội) buồn bã cho biết, em làm bài thi tất cả các môn đều không tốt, dự kiến khó đậu vào lớp 10 công lập. Mẹ của Thành An chia sẻ, nếu con trượt vào lớp 10 công lập, có thể chị sẽ cho con học nghề, nhưng chị vẫn sợ con vất vả, không “bằng bạn bằng bè”.

Cùng chung nỗi băn khoăn, chị Nguyễn Bích Thu (Phú Thọ) cho biết, con trai chị về so đáp án, dự kiến mỗi bài thi chưa đạt được tới 2 điểm. Lực học của cháu không tốt. Chị cũng chuẩn bị tâm lý cho các phương án thay thế, cho con đi học nghề, học giáo dục thường xuyên, hoặc trường dân lập, nhưng cũng chưa biết nên chọn phương án nào.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về những băn khoăn của phụ huynh liên quan tới vấn đề này, cô giáo Đỗ Hoa Huệ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hạ Hòa, Phú Thọ cho biết, hiện nay, ở nhiều nơi đã sát nhập những trường trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên, gọi là trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, thực hiện 3 chung với hệ THPT: Học chung chương trình, chung sách giáo khoa và thi tốt nghiệp cùng nhau, bằng tốt nghiệp cũng không phân biệt với hệ THPT (trước đây phân biệt bằng xanh – bằng đỏ), nên đây là một lợi thế cho các em khi chọn học nghề.

Ngoài ra, còn một ưu điểm nữa, đó là khi ra trường, ngoài bằng tốt nghiệp THPT, các em lại có thêm một bằng trung cấp nghề nữa, trong đó có nhiều nghề đang “hot” như nghề hàn, điện tử điện lạnh, tin học… nên các em rất dễ xin được việc làm ngay, với mức lương khá.

“Vì thế, với những em trượt lớp 10 công lập, không có ý định cho học cao lên, hoặc không có khả năng học cao lên, không vào đại học nên vừa đi học nghề vừa đi học giáo dục thường xuyên, sẽ tiết kiệm thời gian cho các em. Thay vì học trường cấp 3 bình thường, mất 3 năm học, khi ra trường, muốn học nghề lại mất thêm 2 năm nữa, như vậy là 5 năm, thì nếu đi học ngay, các em sẽ chỉ mất 3 năm để có được “song bằng”, tiết kiệm được 2 năm”, cô Huệ nói.

Tuy nhiên, điều này chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của phụ huynh. Nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý học nghề vẫn là cái gì đó “kém sang”, lo con không “bằng bạn bằng bè”. Khi con trượt lớp 10 công lập là đau đớn, khổ sở, cố bằng được cho con học trường dân lập, để rồi thi vào bất kỳ một trường đại học nào, cứ phải có tấm bằng đại học đã, rồi mọi việc tính sau.

Cũng có nhiều phụ huynh hiểu lầm, bằng tốt nghiệp của hệ THPT giá trị hơn bằng tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên, cho nên, không muốn cho con theo học. Việc tuyên truyền mới đầu rất khó khăn.

Quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức của phụ huynh

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm của Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết, quan trọng nhất vẫn là thay đổi được nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc đi học trường nghề.

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm, trong khi đó, trường nghề lại không đủ sinh viên để cung cấp cho các doanh nghiệp.

Ví dụ như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ công nghệ cao Hà Nội, nhu cầu của doanh nghiệp đối với nhà trường, mỗi năm cần khoảng từ 5.000 – 6.000 sinh viên, nhưng Trường chỉ cung cấp được khoảng 1/4 con số đó.

Theo ông Nguyễn Yên Thắng, những em có sức học trung bình, không thích  theo con đường học hành, thì học xong lớp 9 nên đi học nghề.

Khi vào trường, các em sẽ được học song bằng: THPT và trung cấp nghề. Sau 2 năm sẽ có bằng tốt nghiệp THPT cộng thêm bằng trung cấp nghề. Nếu em nào có nhu cầu học cao đẳng liên thông thì nhà trường sẽ đào tạo thêm một năm nữa, các em sẽ có bằng cao đẳng. Như vậy, các em sẽ tiết kiệm được thời gian học tập, rất thuận lợi.

Từ năm thứ 2, các em đã có thể đi thực tập ở các doanh nghiệp và có lương rồi. Còn khi ra trường, các em đều có thu nhập khá và gần như 100% các em đều có việc làm. Mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng khi bắt đầu ra trường. Cơ hội việc làm rất nhiều, vì hiện nay các doanh nghiệp rất cần lao động đã được đào tạo qua các trường cao đẳng nghề. Đây là lực lượng lớn mạnh nhất, xã hội đang cần nhiều nhất nhưng do nhận thức của người dân, nhiều người vẫn sính bằng cấp, dẫn đến việc xã hội “thừa thầy, thiếu thợ”.

Các phụ huynh cũng không nên quá lo ngại rằng con sẽ bị thiệt thòi so với các bạn, bởi trường vẫn phải bố trí để các em có những hoạt động giống như trường phổ thông, ngoài ra còn có những trải nghiệm sáng tạo với những hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại để đào tạo nghề và được trải nghiệm ở các doanh nghiệp.

Ông Thắng cho biết, những phụ huynh có con thi trượt lớp 10 công lập, có thể đưa con đến các trường nghề để nhận được sự tư vấn từ đội ngũ tư vấn của trường. Từ đó, phụ huynh sẽ có sự lựa chọn, quyết định nên cho các con học tiếp lên để vào đại học hay sẽ cho con học trường nghề để con ra trường có việc làm ngay, thu nhập tốt, phù hợp với năng lực của các con.

Mai Nguyễn