Giáo dục

Trường phổ thông “chốt nhanh” tiết học online chỉ còn 30 phút

  • Tác giả : Mai Loan
Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ đã quyết định giảm thời gian tiết học online xuống còn 30 phút ngay từ khi bắt đầu đợt dạy học trực tuyến.

Phát huy tối đa khả năng tự học của học sinh

Ngay từ khi chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến, từ giữa tháng 10/2021, Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ đã quyết định giảm thời gian một tiết học online xuống chỉ còn 30 phút.

Trao đổi với PV KH&ĐS, cô giáo Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng của Trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, một tiết học trực tiếp là 45 phút.

co-giao-nguyen-thanh-thuy-chuyen-hung-vuong.jpg
Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến, nhà trường đã họp bàn phương án về việc dạy học trong tình hình mới, làm sao vừa đảm bảo được chất lượng, đồng thời đảm bảo được yêu cầu quan trọng, đó là vấn đề sức khỏe của học sinh.

Và phương án giảm thời gian học online của một tiết xuống chỉ còn 30 phút đã được lựa chọn. Thời gian còn lại của tiết học để các em chuẩn bị bài và tự học.

Cô Thủy cho biết, quyết định này đưa ra, trước hết dựa vào công văn 4040 của Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022. Trong đó, có nhiều nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu.

Thứ hai, đối với học sinh trường chuyên, khả năng tự học của các em rất cao, các thầy cô muốn các em phát huy hết được năng lực này.

Các em sẽ được thầy cô giao nhiệm vụ của bài học để chuẩn bị trước. Còn 30 phút trong tiết học online, chủ yếu để thầy cô giải đáp, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng để có thể tiếp thu được những kiến thức cơ bản nhất của bài học, kiểm tra việc các em đã học bài ở nhà như thế nào.

“Do các em đã được chuẩn bị trước, cho nên không cần thầy cô phải dạy hết 45 phút học sinh mới nắm được kiến thức cơ bản của bài. Chỉ cần phát huy tối đa khả năng tự học của các em”, cô Thủy nói.

Và một lý do đặc biệt, liên quan đến vấn đề sức khỏe. Qua quan sát thực tế từ đợt học online năm trước, các thầy cô giáo nhận thấy, khi học trực tiếp, các em có giải lao giữa giờ, được chạy nhảy, vui đùa. Còn học trực tuyến, hầu như các em chỉ ngồi tại chỗ nhìn màn hình suốt 5 tiết triền miên.

Điều đó không tốt cho thị lực và sức khỏe, dẫn đến việc các em mệt mỏi, hiệu quả học tập không cao.

Từ những căn cứ đó, Ban lãnh đạo Trường THPT chuyên Hùng Vương đã ban hành ngay kế hoạch dạy học trực tuyến ứng phó kịp thời với tình hình. "Quyết định này được bàn bạc kỹ nhưng cũng đưa ra rất nhanh, không đợi học sinh học rồi mới điều chỉnh", cô Thủy nói.

Thầy cô chỉ “độc thoại”, học sinh dễ buồn ngủ, tắt “cam”

Để một tiết học online hiệu quả với chỉ trong 30 phút, theo cô Thủy, điều đầu tiên từ phía nhà trường, phải có sự tập huấn sử dụng phần mềm trực tuyến cho toàn bộ giáo viên và học sinh, hướng dẫn tạo lập tài khoản và cơ sở dữ liệu (tạo lớp học, phòng học; tạo thời khoá biểu các lớp học trên hệ thống).

Và sự đổi mới của các thầy cô là rất quan trọng. Theo đó, giáo viên phải phát huy hết khả năng sư phạm của mình, để có thể hướng dẫn, giải đáp, củng cố, ôn luyện kiến thức cho học sinh.

truong-thpt-chuyen-hung-vuong-phu-tho(1).jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ chỉ học 30 phút một tiết online. Ảnh: NVCC.

Giáo viên phải cập nhật công nghệ, sử dụng nhiều phương pháp dạy học hiện đại để phù hợp với việc dạy học trực tuyến.

Thầy cô không thể thuyết trình hay độc thoại trước màn hình, mà phải sử dụng các phần mềm hỗ trợ soạn giảng để bài giảng của mình sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh.

"Điều này khiến các giáo viên vất vả nhiều lần so với dạy trực tiếp, tuy nhiên, để thích ứng với tình hình mới, buộc mỗi giáo viên phải cố gắng thay đổi. Nếu giáo viên không thay đổi phương pháp giảng dạy, chỉ độc thoại, không tương tác tích cực với học sinh, có thể dẫn tới hiện tượng học sinh buồn ngủ, đóng camera”, cô Thủy chia sẻ.

Đối với học sinh, khi giao các cho các em tự học, các thầy cô phải hướng dẫn, phân công nhiệm vụ học tập rõ ràng. Như vậy, khi vào tiết học, trong 30 phút, thầy cô sẽ giúp học sinh hiểu được những kiến thức cơ bản của bài học trên cơ sở năng lực tự học.

Qua quan sát hai tuần học online thì thấy, các em rất hào hứng, tiếp thu kiến thức chủ động trên cơ sở hướng dẫn của thầy cô. Một phần cũng do đã được làm quen với phương pháp học này khi học trực tiếp, nên khi chuyển học online, các em bắt nhịp rất nhanh.

Điều đó cho thấy lựa chọn đúng hướng của nhà trường, và nhà trường sẽ theo sát, nắm bắt tình hình kịp thời để có những điều chỉnh cho hợp lý.

hoc-sinh-truong-thpt-chuyen-hung-vuong-2(1).jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ trong giờ học trực tiếp. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thanh Thủy cho biết, việc học sinh phải ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài khi học online là vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thời gian học online mỗi tiết còn tùy thuộc vào thực tế của từng trường, từng đối tượng học sinh. Trong đó, khả năng tự học của các em rất quan trọng. Sự điều chỉnh phải theo lộ trình và cần có sự song hành, phối hợp từ phía phụ huynh.

Mai Loan