Giáo dục

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý ảnh y tế

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Bình thường, trung bình một bác sĩ phải mất 2 - 3 tiếng để xử lý hình ảnh cho một bệnh nhân, nhưng nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian đó chỉ còn 30 giây.

Sản phẩm “Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Công ty Med-Aid (Hoa Kỳ) - doanh nghiệp chuyên cung ứng phần mềm lập kế hoạch xạ trị trên thế giới đã thực hiện thành công.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh (trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên bàn giao sản phẩm dự án cho đại diện Công ty Med-Aid (Hoa Kỳ).

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh (trái), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa
học Tự nhiên bàn giao sản phẩm dự án cho đại diện Công ty Med-Aid (Hoa Kỳ).

Đây là dự án công nghệ và chuyển giao tri thức, phối hợp giữa một đơn vị đào tạo trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều trị. 

TS Đỗ Thanh Hà, Phó trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trưởng Bộ môn Tin học, chủ nhiệm dự án “Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy” cho biết: Mục đích của dự án là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cụ thể là các phương pháp học máy trong việc khoanh vùng tự động các bộ phận cơ thể người trên ảnh chụp cắt lớp.

Các thành viên của nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thuật toán hiện đại để xử lý ảnh y tế, khoanh vùng 12 bộ phận trên cơ thể người thuộc 3 vùng: Đầu (mắt trái, phải, não), ngực (phổi trái/phải, tuỷ sống, tim), bụng (chỏm xương đùi trái/phải, bàng quang, trực tràng, tiền liệt tuyến).

Sản phẩm thu được có độ chính xác cho vùng đầu và ngực đạt 92%, vùng bụng đạt trên 83%, thời gian tối đa 30 giây, vượt yêu cầu đặt hàng với độ chính xác đạt được là 80% của Công ty Med-Aid, Hoa Kỳ.

Đánh giá về ý nghĩa của sản phẩm, ông John Công Nguyễn, Chủ tịch Công ty Med-Aid cho biết: Các hình ảnh chụp cắt lớp trong chẩn đoán y tế luôn là một chuỗi nhiều lát cắt. Bình thường, trung bình một bác sĩ phải mất 2-3 tiếng để xử lý hình ảnh cho một bệnh nhân. Nay nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian dược rút ngắn gấp nhiều lần với độ chính xác cao.

Điều đó giúp các bác sĩ dễ dàng xác định được khối u để điều trị và tránh tổn thương trên các tổ chức lành của cơ thể. Đem lại lợi ích cho lĩnh vực xạ trị ung thư, giúp giảm bớt thời gian điều trị cho bác sĩ, bảo đảm chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Hiện tại, sản phẩm đã được nghiệm thu và bàn giao cho công ty đặt hàng. Điều này cho thấy, cơ hội đóng góp trong các lĩnh vực đòi hỏi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với các sinh viên theo học ngành Toán và Tin học khi tốt nghiệp là rất lớn.

Mai Nguyễn