Giáo dục

Trường chuyên: Đề thi phải đánh giá được năng lực học sinh

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Đề thi chọn học sinh vào lớp chuyên văn phải tập trung đánh giá được năng lực văn học. Đề thi đương nhiên khó hơn lớp thường, nhưng không được đánh đố học sinh.

Đề thi gây tranh cãi khi đưa “đức hạnh” vào thơ

Mới đây, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 chuyên văn của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội  & Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội  & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gây sự chú ý trong dư luận, đặc biệt là ở câu II, khi đưa ra yêu cầu bàn về thơ trong sự so sánh với “đức hạnh” và “nhan sắc” của người con gái trong gia đình.

Cụ thể, đề ra như sau: "Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh". 

Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận ý kiến trên”.

Đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi.

Đề thi môn Ngữ văn gây tranh cãi.

Đề văn ngay lập tức đã gây nên tranh luận trái chiều trong dư luận. Trong đó, ý kiến của nhiều thầy cô giáo, các nhà chuyên môn cho rằng, đề đã chọn trích dẫn không tiêu biểu, vấn đề đưa ra nghị luận không mang tính văn học, không sáng rõ.

“Nhan sắc”, “đức hạnh” là những từ không để nói về văn chương, để chỉ văn chương. Với người con gái, theo quan niệm xưa “cái nết đánh chết cái đẹp”, “nhan sắc” là thứ hấp dẫn bề ngoài, nhưng “đức hạnh” mới là thứ khiến người ta sống được với nhau lâu dài, là vẻ đẹp vững bền.

Nhưng bàn về thơ, bàn về văn chương là nói tới cái hay, cái đẹp, chứ không phải cái đạo đức, đúng, sai.

Cứ cho “nhan sắc” của thơ là giá trị nghệ thuật, cách dùng hình ảnh, câu chữ, các thủ pháp tu từ, “đức hạnh” là giá trị nội dung… thì “nhan sắc” cũng đâu phải là cái chỉ để cho người ta “làm quen”, hấp dẫn bề ngoài.

Ngược lại, đó là thứ sẽ trường tồn theo thời gian và là thứ quyết định để có “sống với nhau lâu dài” hay không. Vì dù có “đức hạnh” đến mấy, mà không có hấp dẫn về “nhan sắc” thì thơ cũng không thể sống trong lòng độc giả, thậm chí còn không được gọi là thơ, mà chỉ là văn vần, vè.

Chưa kể, đối với thơ, “nhan sắc” của thơ cũng gắn liền với nội dung, thậm chí quyết định nội dung. Chỉ cần thay thể một vần, một hình ảnh, một biện pháp nghệ thuật… thì nội dung cũng thay đổi theo.

Cho nên, đối với con gái, có thể có người con gái chỉ có nhan sắc, có người con gái chỉ có đức hạnh, và một người con gái không cần “nhan sắc” vẫn có thể có sự hấp dẫn từ “đức hạnh”, nhưng với thơ lại không như vậy. Không thể tách ra thơ có “nhan sắc” và thơ “đức hạnh” và cũng không thể mang “đức hạnh” ra để bàn về văn chương.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Xuân Quỳnh cho nhiều trích dẫn thể hiện quan điểm về thơ hay hơn rất nhiều. Việc ra đề chọn một trích dẫn không tiêu biểu, thậm chí còn không hợp lý (ví dụ như người con gái đối với gia đình thì cần gì “làm quen”) thể hiện, sự thiếu chỉn chu trong khâu ra đề.

Đề thi khó hơn lớp thường, nhưng không được đánh đố học sinh

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về đề thi môn Ngữ văn của Ttrường THPT Chuyên Khoa học Xã hội  & Nhân văn cùng một số trường chuyên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa mới diễn ra, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên chương giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới chia sẻ, ông đã cố gắng bình tĩnh đọc đề với tình cảm trân trọng người ra đề và nhìn nhận từ góc độ chuyên môn.

Theo ông Thống, thi tuyển vào đâu cũng thế, cần nắm vững mục tiêu và yêu cầu đánh giá thì mới đề xuất được đề thi phù hợp.

Thi chọn vào lớp chuyên văn đương nhiên đề thi nên khó hơn lớp bình thường. Nhưng không phải vì thế mà đánh đố học trò, nhất là với các em học sinh mới xong lớp 9.

Đề thi chọn học sinh vào lớp chuyên văn thì phải tập trung đánh giá được năng lực văn học là chính.

“Năng lực văn học thể hiện trước hết là khả năng đọc hiểu văn bản văn học và khả năng diễn đạt kết quả tiếp nhận tác phẩm văn học (thơ, truyện, ký…) chứ không phải yêu cầu bàn luận một mớ lí thuyết về thể loại hoặc các vấn đề lí luận văn học mà người lớn cũng tắc tị.

Năng lực văn học đã bao hàm năng lực ngôn ngữ, đề thi nên tích hợp kiểm tra năng lực ngôn ngữ, vốn từ và việc sử dụng từ ngữ.

Trong một trao đổi với phóng viên KH&ĐS về khâu tuyển chọn của trường chuyên, thầy giáo Trịnh Đình Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long cho biết, ở cấp THCS, tất cả các môn, cả khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội cũng mới chỉ là nhập môn. việc tuyển chọn chỉ cần ở ba nhóm đối tượng.

Thứ nhất, tuyển các em ở Bộ môn Khoa học tự nhiên, thì cũng chỉ nên quan tâm ở việc các em có năng lực tư duy logic hay không, thể hiện bằng môn Toán.

Thứ hai, đối với các môn thuộc Khoa học xã hội, thì tuyển qua môn Văn, tức là khả năng quan sát, viết, cảm nhận được, nói ra được.

Cuối cùng là môn Ngoại ngữ, thì các em có sự hoạt ngôn, có năng khiếu về ngôn ngữ ra sao…

Chứ hiện nay, trong tuyển chọn, chúng ta đang tự áp đặt cho học sinh 10 môn chuyên, và các em cũng không biết rằng mình có năng khiếu thực sự hay không, bố mẹ các em cũng không biết được điều đó.

Cũng có em ngộ nhận về năng khiếu của mình, như tôi đã nói, vào học Toán rồi mới nhận ra mình có năng khiếu về Sinh.

Mai Nguyễn