Bình luận

Trí thức Việt Nam sẽ làm nên những kỳ tích mới

  • Tác giả : Tuyết Vân (thực hiện)
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”.
chu-tich-2(1).jpg
Trí thức Việt Nam sẽ cùng nhau làm nên những kỳ tích mới.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”. Quá trình này không thể thiếu vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ... Đó là chia sẻ của TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).

Khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt

Hưởng ứng chương trình “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong cả nước. Xin Chủ tịch có một vài chia sẻ về điều này?

Liên hiệp Hội Việt Nam đã có công văn gửi tới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành trực thuộc, các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc và các tổ chức trực thuộc để tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, chào mừng từ ngày 4 - 20/5/2022. Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị triển khai, tổ chức các sự kiện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ở địa phương, đơn vị phù hợp với điều kiện thực tiễn từng đơn vị tập trung vào các hoạt động như: biểu dương và tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật về KH&CN, vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát động phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cán bộ nghiên cứu; phát động phong trào nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp.

Cùng với đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đề nghị tổ chức các chuỗi hoạt động chào mừng ngày KH&CN Việt Nam gồm: Chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao; chương trình gặp mặt giữa các nhà quản lý KH&CN, nhà khoa học với học sinh, sinh viên, nhà sáng chế trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức triển lãm các kết quả nghiên cứu cứu khoa học sáng kiến kiến hữu ích của nhóm nghiên cứu trẻ tại các tổ chức KH&CN; khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương. Tổ chức buổi gặp mặt giữa Lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các trí thức, giáo sư đầu ngành, nhà khoa học tiểu biểu, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc ngành, lĩnh vực và địa phương trực thuộc.

Chủ tịch có nhận định gì về ý nghĩa, vai trò của Ngày KH&CN?

Ngày KH&CN là dịp nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự kiện cũng nhằm tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào trí tuệ Việt, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà, tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN nổi bật, các kết quả nghiên cứu KH&CN thuộc các chương trình KH&CN cấp quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm quốc gia, thị trường KH&CN, đổi mới công nghệ quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhiệm vụ đẩy nhanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chúng ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 với sự đóng góp không nhỏ của giới trí thức. Cụ thể đóng góp đó là gì?

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, sự đóng góp của đội ngũ khoa học là vô cùng to lớn. Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, bên cạnh sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng, các nhà khoa học Việt Nam đã tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, qua đó đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp phù hợp và hữu hiệu góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước đã và đang được thử nghiệm triển khai. Đặc biệt, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đang tích cực tham gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phòng chống Covid-19: Viện Y dược Nano nghiên cứu chế tạo thuốc đặc trị - nhằm bổ sung hoàn chỉnh trong phòng chống dịch covid-19; Viện Công nghệ VinIT nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma chống đại dịch Covid-19; VIện nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Ánh sáng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như giúp thay đổi nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

chu-tich(1).jpg
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Trí thức là nguồn tài nguyên vô giá

Bối cảnh đất nước hậu Covid-19 hẳn đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu mới đối với khoa học và đội ngũ trí thức, thưa Chủ tịch?

Năm 2022 là một năm đặc biệt quan trọng, là năm thứ hai toàn hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VIII của Liên hiệp Hội Việt Nam. Đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay, như lời của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.

Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế hiện nay diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường với xung đột leo thang giữa Nga - Ukraina, dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu và dấu hiệu rõ nét của một cuộc khủng hoảng năng lượng ở quy mô toàn cầu. Bối cảnh quốc tế đó đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn cho đất nước ta. Hơn bao giờ hết KH&CN cần thấm vào tất cả mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Lúc này, không chỉ triển khai, ứng dụng khoa học và kỹ thuật cao, hiện đại vào sản xuất kinh doanh, mà ngay trong từng chủ trương, chính sách, pháp luật; trong từng hoạt động của tất cả tổ chức Nhà nước phải đề cao vai trò, vị trí của KH&CN, điều đó cũng đồng nghĩa, đội ngũ trí thức phải cố gắng nhiều hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa bằng trái tim yêu nước nồng nàn và khối óc của mình. Liên hiệp Hội Việt Nam phải có một vai trò xứng đáng trong các công việc này.

Kế tục phát huy sự nghiệp của các lớp đàn anh đi trước, đội ngũ trí thức nước nhà nói chung và Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng sẽ trở thành lực lượng, là niềm tin của nhân dân để hiện thức hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường”. Tôi tin rằng, đội ngũ trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ không làm thất vọng những lớp đàn anh đi trước. Trí thức Việt Nam sẽ cùng nhau làm nên những kỳ tích mới.

Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia như thế nào vào chương trình chuyển đổi số quốc gia và đến gần hơn các doanh nghiệp?

Quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp quản lý truyền thống sang doanh nghiệp số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới gồm: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Trên tinh thần chỉ đạo của Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc “Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phát triển KH&CN lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu mới nhất về KH&CN, những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nhất là thành tựu KH&CN của cuộc CMCN 4.0. Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp các bộ/ban/ngành, doanh nghiệp và địa phương tổ chức thực hiện tốt Chương trình chuyển đối số quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào sớm triển khai chuyển đổi số, doanh nghiệp nào biết dựa vào sức mạnh của KH&CN thì doanh nghiệp đó có sức chống chịu tốt hơn, thích nghi tốt hơn với dịch Covid-19 và tận dụng cơ hội để bứt phá. Chuyển đổi số thực sự trở thành một xu thế tất yếu mà chúng ta cần phải thực hiện, triển khai sâu rộng lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp, nói rộng ra là của cả quốc gia và dân tộc.

Bám sát chủ trương của Đảng và Liên hiệp Hội Việt Nam, Báo Tri thức và Cuộc sống đã trở thành tổ chức hợp nhất, quy tụ sức mạnh tổng hợp của các ấn phẩm, tạo ra một cơ quan ngôn luận lớn mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam. Chủ tịch có định hướng chỉ đạo gì về vai trò của Báo Tri thức và Cuộc sống trong giai đoạn hiện nay?

Theo quy hoạch báo chí của Chính phủ, Báo Tri thức và Cuộc sống là tiếng nói của Liên hiệp Hội Việt Nam; phải thể hiện được "Tiếng Nói" chính thống của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đường lối, chủ trương, kết quả mà Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được. Đấy chính là việc tuyên truyền cho tất cả hội viên, đông đảo đội ngũ trí thức biết được về Liên hiệp Hội Việt Nam.

Nhiệm vụ, trách nhiệm của tờ báo là rất quan trọng. Tôi tin rằng, với chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ kế thừa và phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình trên nền tảng những cơ quan báo chí, tờ báo của Liên hiệp Hội Việt Nam từ trước đó.

Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nước nhà rất đông đảo nhưng báo chí chưa khai thác được nhiều. Các nhà khoa học Việt Nam rất có tài năng, tâm huyết, có nhiều công trình tầm cỡ, thế nhưng, sự xuất hiện của họ trên báo chí để nói về những công trình này lại rất hạn chế. Cả nước hiện có hơn 6,6 triệu trí thức, riêng Liên hiệp Hội Việt Nam có 3,7 triệu trí thức. Đây là nguồn tài nguyên vô giá. Phải làm sao để chính đội ngũ trí thức cũng là nhà báo, tham gia viết báo để đưa tri thức đến với độc giả.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Tuyết Vân (thực hiện)

Liên hiệp Hội Việt Nam là một Tổ chức Chính trị - Xã hội, nơi tập hợp hơn 3,7 triệu hội viên và trí thức của cả nước. Với 63 Liên hiệp Hội địa phương, 89 Hội ngành Trung ương và hơn 500 tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trên mọi lĩnh vực rộng khắp trong cả nước, Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Tuyết Vân (thực hiện)