Khoa học & Công nghệ

Trẻ mê, “nghiện” công nghệ sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu

Việc trẻ nhỏ mê mệt với các thiết bị điện tử hay việc cha mẹ mải mê với các đồ công nghệ cao đến nỗi lấy mất đi cả thời gian chăm sóc con đã và đang dẫn đến những hệ quả rất xấu. Cô đơn, nghèo cảm xúc, mất sự tương tác với xã hội, thiếu sự gắn kết giữa cha mẹ – con cái, gặp các vấn đề về sức khoẻ như với cột sống, thần kinh… là những hệ quả được các chuyên gia chỉ ra.

Thần kinh, cong vẹo cột sống

Tình trạng phổ biến hiện nay là các ông bố bà mẹ quá bận rộn nên cho con chơi những đồ công nghệ để rảnh rang làm việc, hoặc chính những các bậc phụ huynh quá đam mê với những chiếc iPad, điện thoại thông minh… nên cũng để cho trẻ chơi những thứ đồ đó. Điều này khiến cho cuộc sống những đứa trẻ ngày càng phụ thuộc vào đồ công nghệ.

Việc trẻ mê, “nghiện” công nghệ sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu.

Các nhà khoa học gọi đó là chứng “nghiện” đồ công nghệ. Hệ lụy của việc nghiện đồ công nghệ là vô cùng lớn và nguy hiểm.

Nghiên cứu của TS James Carter, chuyên gia hàng đầu về xương khớp ở Úc đã cho thấy tình trạng biến dạng cột sống ở trẻ em khi tiếp xúc quá nhiều đến các đồ công nghệ. Các phim chụp X-quang cho thấy, thanh thiếu niên và trẻ em từ 7 tuổi trở lên, đang ở độ tuổi phát triển nhưng các đốt sống cổ và đốt sống lưng bị cong một cách bất thường.

Thậm chí ở một số trẻ còn xuất hiện gai đốt sống, một tình trạng thoái hóa đốt sống thường gặp ở người trung niên. Đây là hậu quả của việc ngày ngày đều cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại. Điều đáng nói, việc gây căng thẳng quá mức cho cột sống cổ, dần dần dẫn đến biến dạng không thể phục hồi.

Không chỉ mắc các bệnh về cột sống, ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm còn cho rằng, việc trẻ bị bỏ mặc và giao phó cho các đồ công nghệ con làm gia tăng khả năng mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thần kinh và trí óc.

Các nhà trị liệu và lâm sàng gặp rất nhiều trường hợp trẻ bị mắc chứng rối loạn hành vi, suy nhược, lo lắng, cảm tính lưỡng cực, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tất cả đều có thể liên quan đến việc sử dụng công nghệ quá mức.

Điều dễ thấy nhất là ngày nay trẻ rất thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị điện tử từ khi còn khá nhỏ. Thế hệ trẻ em ngày nay đang phát triển theo hướng khác xa với cách mà trẻ em phát triển cách đây 15 – 20 năm về trước, thời mà mạng xã hội, điện thoại thông minh… chưa xuất hiện và phát triển như bây giờ. Với sự phát triển của các thiết bị điện tử và việc cho trẻ lạm dụng các đồ công nghệ này, các bậc phụ huynh đang tạo ra một “thế hệ cúi đầu”.

ThS Trần Mạnh Hoàng

Ăn, ngủ bay bổng trong thế giới ảo

ThS Trần Mạnh Hoàng cho biết, không chỉ gây ảnh hưởng về thần kinh, cột sống, việc lệ thuộc vào đồ công nghệ sẽ khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về mặt cảm xúc, kỹ năng xã hội…

Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi bị lệ thuộc vào đồ công nghệ, trẻ sẽ dần cảm thấy không thể thiếu và rời xa được những thói quen này; cảm giác gần gũi, trò chuyện với bố mẹ sẽ dần mất đi; chúng thường có xu hướng phản ứng dữ dội khi bị ngăn cản chơi và sử dụng đồ công nghệ, không nghe bất cứ điều gì từ ba mẹ chúng.

Đặc biệt, khi bị lệ thuộc vào công nghệ trẻ thường xa lánh với cuộc sống bên ngoài, gặp vấn đề khi giao tiếp, các kỹ năng sống cũng bị mất dần đi. Đối với trẻ, việc tiếp xúc và giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ là điều vô cùng quan trọng, nhưng khi bị lệ thuộc vào thế giới công nghệ, cuộc sống của trẻ sẽ trở nên đơn giản, vắn tắt, khá đơn điệu và nhàm chán, các kỹ năng xã hội gần như không có.

Điều đáng nói, nếu một đứa trẻ có kỹ năng xã hội kém, nó sẽ cảm thấy rất khó để giao tiếp với mọi người vì thế sẽ co mình lại, rất dễ cảm thấy cô đơn, trầm cảm và xa lánh cuộc sống.

ThS Trần Mạnh Hoàng nhấn mạnh: Những đứa trẻ dần bị rơi vào ảo giác, chúng ăn, ngủ, nằm mơ trong thế giới ảo, cứ như thế chúng tách biệt với thế giới bên ngoài và rơi xuống những hố sâu mà chúng không có phản kháng gì. Và khi chúng bước ra cuộc sống thực, tâm lý cô đơn, bơ vơ, hoang mang và sợ hãi là điều dễ hiểu.

Đức Anh