Thời sự

TPHCM tiếp tục chống dịch thế nào khi lực lượng chi viện rút về?

  • Tác giả : An Quý
Covid-19 đang tạo sức ép về y tế cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khi lực lượng chi viện của Trung ương rút về, TPHCM phải chia lửa với các tỉnh miền Tây.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trách nhiệm của TPHCM, trung tâm của cả vùng Nam Bộ, không chỉ lo cho thành phố mà còn phải hỗ trợ các tỉnh trong khu vực.

“Từ theo đuổi mục tiêu Zero Covid-19 (không Covid-19) chúng ta đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với Covid-19, vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. TPHCM cần lường hết các tình huống, có kịch bản cụ thể để ứng phó chủ động, hiệu quả với dịch bệnh trong thời gian tới.” Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

cham-soc-bn-covid-tai-vinh-long.jpg
Theo Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, trách nhiệm của TPHCM, trung tâm của cả vùng Nam Bộ, không chỉ lo cho thành phố mà còn phải hỗ trợ các tỉnh trong khu vực. Ảnh: Một bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc và điều trị tại Vĩnh Long. 

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 4, tổng cộng 536 trạm y tế lưu động được thành lập, 32 bệnh viện dã chiến với gần 60.000 giường bệnh, 200.000 người tham gia 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm.

Hơn 30.000 y bác sĩ từ các tỉnh vào tăng cường cho TPHCM hiện đang rút đi. Vì vậy trách nhiệm của TPHCM sẽ rất lớn trong thời gian tới.

thu-truong-nguyen-truong-son-tham-tre.jpg
TPHCM đã trải qua những đau thương mất mát to lớn vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thăm trẻ từ những người mẹ mắc Covid-19 đang được chăm sóc tại Trung tâm HOPE. 

Theo Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cần kiểm soát dịch tốt hơn để thích ứng an toàn với Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế đối với cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ với TPHCM với những đau thương mất mát trong những ngày qua vì dịch bệnh Covid-19. 15.000 người trên địa bàn thành phố đã tử vong vì dịch Covid-19.

An Quý