Hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan quan trọng quyết định sức khỏe của mỗi người. Hệ tiêu hóa đóng vai trò tiếp nhận, hấp thu thức ăn và đào thải các chất không thể tiêu hóa ra ngoài. Đây là nơi biến thức ăn thành chất dinh dưỡng, từ đó cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng và chữa lành các tế bào bị tổn thương.
Bởi vậy, để bảo vệ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngoài việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bạn có thể bổ sung bằng những loại trà thảo mộc dưới đây:
Trà bạc hà
Dù uống nóng hoặc lạnh, trà bạc hà đều rất tốt trong việc xoa dịu cơn đau ở bụng hoặc trị chứng khó tiêu. Loại trà này cũng giúp thải khí trong đường tiêu hóa nên có tác dụng làm giảm đầy hơi, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS).
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, nhiều nghiên cứu cho thấy bạc hà giúp loại bỏ cơn đau trong hệ tiêu hóa bằng cách thư giãn cơ trơn trong ruột để giảm co thắt cơ. Bạc hà cũng có thể cải thiện dòng chảy của mật, giúp thức ăn được tiêu hóa và đi qua ruột nhanh chóng.
Trà hoa cúc
Ngoài tác dụng giúp thư giãn và ngủ ngon, trà hoa cúc còn tốt cho hệ tiêu hóa, gồm giúp ngăn ngừa các triệu chứng trào ngược axit và đầy hơi.
Theo các chuyên gia, loại trà này từ xưa đã được sử dụng để đẩy lùi tình trạng viêm đường tiêu hóa, còn hiện nay nó được biết đến như một thảo mộc bảo vệ dạ dày, giúp thư giãn các mô cơ trơn của đường tiêu hóa. Ngoài ra, uống một tách trà hoa cúc trước hoặc sau bữa ăn cũng giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Trà chanh gừng
Sự kết hợp của chanh và gừng trong cùng một loại trà khiến nó trở thành một trong những loại trà thảo mộc tốt nhất cho hệ tiêu hóa. Chanh chứa nhiều vitamin, khoáng chất, giàu chất chống oxy hóa nên có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, chanh còn có thể làm dịu cơn đau bụng, giảm sự kích động thần kinh, giải quyết các vấn đề về rối loạn tiêu hóa.
Vị cay của gừng có tác dụng kích thích sản xuất dịch vị và các enzym tiêu hóa giúp phân hủy thức ăn. Do đó, trà chanh gừng có thể giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi và co thắt dạ dày. Ngoài ra, lợi ích sức khỏe tiêu hóa mạnh mẽ nhất của gừng là khả năng giảm thiểu cảm giác buồn nôn. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng giúp ức chế cảm giác buồn nôn trong vòng một đến sáu giờ.
Trà xanh
Là “siêu thực phẩm” nổi tiếng của thế giới tự nhiên, trà xanh có khả năng trung hòa các độc tố có hại có trong môi trường nhờ dồi dào chất chống ôxy hóa. Trà xanh cũng rất giàu polyphenol và catechin có lợi cho hệ tiêu hóa, bao gồm có tác dụng chống viêm, giúp điều trị các bệnh viêm ruột, viêm dạ dày và viêm loét đại tràng.
Uống trà xanh còn thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong ruột, đồng thời củng cố thành ruột, phòng chống tình trạng rò rỉ ruột.
Trà gừng
Gừng là một phương thuốc chữa bệnh tiêu hóa lâu đời trong Đông y. Không chỉ xoa dịu cơn buồn nôn, gừng còn làm tăng nhu động ruột để tiêu hóa thức ăn. Hàng chục nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng giúp ức chế cảm giác buồn nôn trong khoảng 1-6 giờ, tốt cho cả phụ nữ mang thai bị ốm nghén, bệnh nhân đang hóa trị và người hay bị say tàu xe.
Trang tin sức khỏe Well and Good dẫn nghiên cứu cho thấy gừng làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, nhờ đó ngăn ngừa chứng khó tiêu, giảm co thắt ruột và chống đầy hơi.
Các cách khác để hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Chế độ ăn cân bằng: Bạn nên kết hợp nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc để cung cấp chất xơ hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Chất xơ rất cần thiết cho nhu động ruột, nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi.
Uống đủ nước: Uống nhiều nước hỗ trợ tiêu hóa và duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong ruột. Duy trì đủ nước trong cơ thể hỗ trợ niêm mạc ruột, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng.
Bổ sung Probiotics và Prebiotics: Các loại thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp chứa probiotics trong khi tỏi, hành tây và chuối là nguồn prebiotics tốt. Hai chất dinh dưỡng này hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột đa dạng và phát triển mạnh.
Kiểm soát căng thẳng: Áp lực cao liên tục có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột của bạn. Theo thời gian, điều này có thể làm tăng tình trạng viêm mạn tính, phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột. Các hormone gây căng thẳng như cortisol có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột và tính toàn vẹn của niêm mạc ruột. Thiền định hoặc hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng.