Theo phản ánh của bạn đọc đến đường dây nóng Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, công trình dãy nhà một tầng ở địa chỉ số 32 Nguyễn Công Trứ chỉ được phép sửa chữa, bảo trì nhưng chủ đầu tư lại phá dỡ, đổ trụ cột bê tông xây mới, có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD).
Ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 8/2024 cho thấy, công trình dãy nhà một tầng ở địa chỉ số 32 Nguyễn Công Trứ nằm trong khuôn viên của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quây kín tôn xung quanh.
Bên trong, công trình đã phá dỡ gần như toàn bộ, chỉ còn lại bức tường cũ hình chữ L. Công trình được đào móng, đổ trụ cột bê tông mới và lắp đặt khung dầm thép tầng một. Cùng đó, một số tường nhà được công nhân xây mới.
Công trình dãy nhà một tầng ở địa chỉ số 32 Nguyễn Công Trứ được quây kín tôn. |
Chỉ được phép sửa chữa, bảo trì
Làm việc với phóng viên ngày 21/8, đại diện Tổ Quản lý TTXD phường Phạm Đình Hổ khẳng định, công trình số 32 Nguyễn Công Trứ chỉ được phép sửa chữa, bảo trì và không cấp phép xây dựng mới.
Theo tài liệu mà Tổ Quản lý TTXD phường Phạm Đình Hổ cung cấp, văn bản số 1142/UBND-QLĐT ngày 18/7/2023 của UBND quận Hai Bà Trưng đồng ý cho Transerco sửa chữa, bảo trì công trình tại số 32 Nguyễn Công Trứ.
Văn bản trên của quận Hai Bà Trưng trích dẫn báo cáo của Transerco nêu hiện trạng công trình số 32 Nguyễn Công Trứ: Các công trình xây dựng và khối nhà 3 tầng, dãy nhà một tầng nằm sát mặt đường Nguyễn Công Trứ được xây dựng, sử dụng hơn 20 năm. Dãy nhà một tầng nằm sát mặt đường Nguyễn Công Trứ (đối diện gara để xe cao tầng) đã xuống cấp và hư hỏng (xuất hiện thấm dột, kết cấu khung nhà, mái han gỉ nặng, nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng).
Bên trong, công trình đã phá dỡ gần như toàn bộ, đào móng, đổ trụ cột bê tông xây mới. |
Dãy nhà có kích thước hiện trạng cụ thể: Diện tích 499,56 m2; chiều cao từ nền nhà đến đỉnh mái 7,61 m. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và mỹ quan đô thị, đồng thời phục vụ nhu cầu văn phòng làm việc của các ban, đơn vị trực thuộc, Transerco báo cáo đề xuất UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện nội dung sửa chữa, cải tạo phần diện tích bị hư hỏng, xuống cấp của dãy nhà một tầng, gồm: Sửa chữa, thay thế các vị trị mái tôn han gỉ không đảm bảo an toàn; cải tạo, sửa chữa chát và tường một số vị trí bị nứt, hư hỏng không đảm bảo an toàn; lát nền, thay thế các vị trí cửa hư hỏng xuống cấp; lắp đặt hệ thống trần giả; đi lại hệ thống điện, hệ thống nước…
Ngày 7/8/2024, phóng viên đến liên hệ làm việc với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nhưng chưa nhận được trả lời. Ngày 9/8/2024, một đại diện Transerco cho hay, công trình dãy nhà một tầng ở địa chỉ số 32 Nguyễn Công Trứ của đơn vị chỉ sửa chữa, cải tạo.
Trước câu hỏi tại sao công trình 32 Nguyễn Công Trứ chỉ được phép sửa chữa, bảo trì nhưng chủ đầu tư lại phá dỡ, đổ trụ cột bê tông xây mới, người này không nói gì thêm.
Cần làm rõ việc tự ý đào móng, đổ trụ cột xây mới
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, việc tự ý đào móng, đổ trụ cột xây mới tường trong khi văn bản của Transerco chỉ xin “sửa chữa, thay thế các vị trị mái tôn han gỉ không đảm bảo an toàn; cải tạo, sửa chữa chát và tường một số vị trí bị nứt, hư hỏng không đảm bảo an toàn; lát nền, thay thế những vị trí cửa hư hỏng xuống cấp; lắp đặt hệ thống trần giả; đi lại hệ thống điện, hệ thống nước…”, là không đúng nội dung văn bản UBND quận Hai Bà Trưng cho phép; vi phạm quy định tại Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014.
Bên trong, công trình đã phá dỡ gần như toàn bộ, đào móng, đổ trụ cột bê tông xây mới. |
Theo khoản 7, Điều 16, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, công trình không thuộc trường hợp được miễn giấy phép mà đã xây dựng xong dù không có giấy phép, thì bị phạt từ 60 triệu đến 140 triệu đồng, phá dỡ công trình sai phạm.
Đối với trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền, luật sư Hoàng Tùng dẫn khoản 5, Điều 56, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định rõ quản lý trật tự xây dựng của UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh; tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Công trình được đào móng, đổ trụ cột bê tông mới và lắp đặt khung dầm thép tầng một. Phần tường nhà ở một vị trí cũng được xây mới. |
Như vậy, khi phát hiện công trình vi phạm, UBND phường Phạm Đình Hổ phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử lý nếu thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt quá quyền hạn luật cho phép; đồng thời thực hiện cưỡng chế hoặc phối hợp thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn.
Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc.
Liên quan việc bạn đọc phản ánh Tổng Công ty Vận tải Hà Nội có dấu hiệu vi phạm TTXD, ngày 7/8/2024, Báo Tri thức và Cuộc sống có Công văn số 532/CV-TTCS.2024 gửi UBND TP Hà Nội, để có thông tin khách quan, đa chiều. Ngày 12/8/2024, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản số 1163/PC-VP, chuyển nội dung nêu trên đến UBND quận Hai Bà Trưng, yêu cầu quận chủ trì, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 28/8/2024, UBND quận Hai Bà Trưng chưa có phản hồi.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập theo Quyết định số 72/2004/QĐ-UB ngày 14/05/2004. Ông Nguyễn Hoàng Trung là Chủ tịch HĐTV của Transerco và ông Nguyễn Thanh Nam là Tổng Giám đốc.
Theo giới thiệu trên website, Transerco có hơn 10.000 lao động đang làm việc tại 12 đơn vị trực thuộc và 5 công ty con. Doanh nghiệp hiện điều hành theo 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính gồm: Vận tải hành khách công cộng; hạ tầng vận tải; kinh doanh vận tải; thương mại dịch vụ và giá trị gia tăng.
Trong năm 2023, Transerco đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe, đạt 98,5% kế hoạch đấu thầu - đặt hàng, vận chuyển trên 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022, sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng.