Y học và đời sống

Tiêm vắc xin não mô cầu như thế nào cho đúng?

  • Tác giả : ThS.BS. Trần Thu Nguyệt
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động. Có một số loại vắc xin có thể bảo vệ cơ thể khỏi một số type vi khuẩn não mô cầu. Cần hiểu rõ các loại vaccin để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu cho đúng.

Vắc xin não mô cầu AC

Vắc xin não mô cầu AC có tên thương mại: Meningococcal polysaccharide vắc xin AC, có thời gian bảo vệ khoảng 3 năm.

Tác dụng phụ do phản ứng đối với vắc xin viêm não mô cầu AC trên thực tế hiếm gặp, bao gồm các phản ứng nhẹ và thoáng qua tại nơi tiêm; đôi khi có sốt nhẹ, bị kích thích và mệt mỏi trong vòng 72 giờ sau khi tiêm vắc-xin.

Vắc xin được sử dụng để tiêm phòng bệnh cho trẻ em ở vùng có dịch bệnh lưu hành hoặc khi đang có dịch bùng phát.

Liều lượng tiêm là 0,5ml; có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.

Thường tiêm một liều vắc xin khi trẻ em được 18 tháng tuổi trở lên.

Chú ý thận trọng khi tiêm phòng cho phụ nữ có thai, chỉ tiêm khi thực sự có nguy cơ mắc bệnh trong các vụ dịch. Một vấn đề cũng cần quan tâm là không nên tiêm cho trẻ em dưới 18 tháng tuổi trừ khi đang có dịch bùng phát.

Vi khuẩn não mô cầu dễ tấn công trẻ nhỏ - Ảnh minh họa

Vi khuẩn não mô cầu dễ tấn công trẻ nhỏ - Ảnh minh họa

Vắc xin viêm màng não mô cầu ACYW

Vắc xin MENACTRA (Mỹ) phòng bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135

Vắc xin viêm màng não mô cầu ACYW – Menactra, sản phẩm của hãng vắc xin hàng đầu thế giới – Sanofi Pasteur (Pháp), sản xuất tại Mỹ. Là vắc xin Polysaccharide bảo vệ người tiêm khỏi các vi khuẩn não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.

Chỉ định: tiêm chủng cho cho trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn đến 55 tuổi với lịch tiêm cơ bản như sau:

- Trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên đến dưới 24 tháng tuổi: Tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng;

- Trẻ từ tròn 24 tháng – người lớn đến 55 tuổi: Tiêm 1 mũi duy nhất.

- Tiêm liều nhắc lại cho nhóm tuổi từ 15 – 55 tuổi tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn não mô cầu, với lịch tiêm mũi nhắc cách mũi trước đó ít nhất 4 năm.

- Chống chỉ định: Người đã bị phản ứng quá mẫn toàn thân với bất cứ thành phần của vắc xin, hoặc sau một lần tiêm vắc xin này hoặc một vắc xin chứa cùng một thành phần trước đây; các trường hợp sốt vừa hoặc nặng và/hoặc bệnh cấp tính nên trì hoãn tiêm chủng.

- Thận trọng khi sử dụng: rất thận trọng với phụ nữ có thai; bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, người mắc hội chứng Guillain – Barre

- Phác đồ, lịch tiêm: theo khuyến cáo của CDC (Hoa Kỳ).

Người sức khỏe bình thường: Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng: 2 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 3 tháng; Từ 2 tuổi đến 55 tuổi (trước sinh nhật lần thứ 56): Mũi 1: lần đầu tiên. Mũi 2 (mũi nhắc): cách mũi 1 ít nhất 4 năm (cho người từ 15 đến 55 tuổi)

Người có nguy cơ cao mắc não mô cầu (có bệnh lý nền, dùng thuốc ức chế miễn dịch…); Trẻ dưới 7 tuổi: 2 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 2 tháng. Tiêm 1 mũi nhắc sau mũi cơ bản cuối cùng ít nhất 3 năm; sau đó mỗi 5 năm tiêm nhắc 1 mũi.

Người tròn 7 tuổi trở lên và người lớn: 2 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 2 tháng. Sau đó mỗi 5 năm tiêm nhắc 1 mũi.

Tiêm vắc xin não mô cầu như thế nào cho đúng?

Tiêm vắc xin não mô cầu như thế nào cho đúng?

Vắc xin não mô cầu BC

Vắc xin não mô cầu BC tên thương mại: VA-MENGOC-BC (do Cuba sản xuất).Vắc xin này tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm huyết thanh B và C.

Chỉ định tiêm cho trẻ em từ 3 tháng tuổi, người lớn đến 45 tuổi và các đối tượng sống trong vùng dịch hay phải đi đến vùng dịch bệnh.

Ngoài ra, vắc xin cũng nên tiêm cho những người sống tập thể như các trung tâm chăm sóc trẻ em nội trú, doanh trại quân đội, nhà tù, các vùng có mật độ dân cư cao hoặc ở cộng đồng phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh não mô cầu nhóm huyết thanh B và C vì người dân ở đây có nguy cơ bị phơi nhiễm.

Chống chỉ định: những người có phản ứng quá mẫn đối với bất cứ thành phần nào của vắc xin, các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính, dị ứng đang tiến triển, các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh, người có phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm liều 1 vắc xin này.

Thận trọng không sử dụng vắc-xin cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết và có nguy cơ dịch tễ học cao. Đối với những người suy giảm miễn dịch hay đang điều trị suy giảm miễn dịch có thể không có đáp ứng đầy đủ với vắc xin .

Liều dùng: tiêm phòng 02 liều 0,5ml; khoảng cách giữa hai lần tiêm từ 6 - 8 tuần (45 ngày). Tiêm liều thứ hai là điều bắt buộc để đạt được mức bảo vệ tốt.

Bexsero bảo vệ khỏi 4 kháng nguyên của não mô cầu B

Bexsero là vắc xin viêm não mô cầu do Ý sản xuất phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B. Đây là vắc xin thế hệ mới do Tập đoàn dược phẩm GSK sản xuất, được sử dụng rộng rãi tại hơn 50 quốc gia tiên tiến trên thế giới; phối hợp 4 thành phần kháng nguyên protein tái tổ hợp của não mô cầu nhóm B.

Chỉ định tiêm chủng: cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người 50 tuổi với lịch tiêm như sau:

Trẻ từ 2 tháng đến dưới 6 tháng tuổi: Tiêm 02 mũi cơ bản cách nhau 2 tháng. 01 mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 6 tháng khi trẻ từ đủ 12 tháng tuổi.

Trẻ 6 tháng đến dưới 12 tháng tuổi: Tiêm 02 mũi cơ bản cách nhau 2 tháng; 01 mũi nhắc lại sau mũi 2 tối thiểu 2 tháng khi trẻ từ đủ 12 tháng tuổi. Tiêm 02 mũi cơ bản cách nhau 2 tháng. 01 mũi nhắc lại sau mũi 2 là 12 tháng.

Trẻ tròn 1 tuổi đến 2 tuổi: Tiêm 02 mũi. Mũi 1: lần tiêm đầu tiên. Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng. 01 mũi nhắc được khuyến cáo cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng.

Người từ 2 tuổi đến 50 tuổi: Tiêm 02 mũi cơ bản cách nhau 1 tháng.

Vùng màng não dễ bị vi khuẩn tấn công - Ảnh minh họa

Vùng màng não dễ bị vi khuẩn tấn công - Ảnh minh họa

Kết hợp vắc xin Menactra (ACYW) và vắc xin não mô cầu BC để tăng tối đa hiệu quả bảo vệ

Đây đều là các vắc xin phòng bệnh do não mô cầu gây ra nhưng các loại vắc xin này có công dụng phòng ngừa các nhóm huyết thanh khác nhau của vi khuẩn não mô cầu, cụ thể: vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm não do não mô cầu khuẩn nhóm A, C, Y, W-135 gây ra; vắc xin VA-Mengoc-BC (Cuba) lại phòng viêm não do não mô cầu khuẩn nhóm B, C gây ra.

Các vắc xin não mô cầu sinh ra miễn dịch đặc hiệu cho từng nhóm, không gây miễn dịch phòng ngừa chéo với nhóm huyết thanh khác nên dù đã được chủng ngừa nhóm BC vẫn hoàn toàn có thể nhiễm nhóm A, Y, W-135 và ngược lại.

Do đó, tiêm vắc xin ACYW và vắc xin não mô cầu BC để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa và phạm vi bảo vệ đạt mức tối ưu, cung cấp cho cơ thể khả năng miễn dịch, phòng ngừa đầy đủ với cả 5 nhóm huyết thanh phổ biến và nguy hiểm nhất của não mô cầu khuẩn (A, B, C, Y, W).

Đã tiêm vắc xin não mô cầu BC rồi có cần tiêm vắc xin Bexsero nữa không?

Theo khuyến cáo của Hội Y học dự phòng Việt Nam, đã tiêm vắc xin não mô cầu nhóm B và C (VA-Mengoc BC) vẫn có thể tiêm vắc xin não mô cầu nhóm B (Bexsero) và không cần khoảng cách giữa các loại vắc xin với nhau bởi sự khác biệt kháng nguyên có trong từng vắc xin .

Bexsero là vắc xin phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới, được sản xuất bằng công nghệ “phiên mã ngược” (Reverse Vaccinology) tiên tiến nhất hiện nay, sở hữu cả 4 thành phần kháng nguyên, cung cấp độ phủ rộng của nhóm huyết thanh B, bao gồm fHbp, NadA, NHA và NZ PorA P1.4, mang lại khả năng diệt khuẩn nhanh hơn và đầy đủ hơn thông qua sự kết hợp của các thành phần kháng nguyên với hiệu quả cao lên đến 95%.

Vắc xin VA-Mengoc-BC cung cấp khả năng phòng não mô cầu nhóm B, C, được sản xuất bởi công nghệ túi màng ngoài (OMV = Outer Membrane Vesicle) ra đời từ những năm 80, chỉ chứa 1 thành phần kháng nguyên nhóm B với phổ bảo vệ hẹp hơn.

Trong khi đó, riêng nhóm huyết thanh não mô cầu B rất đa dạng với hơn 8.000 các chủng B (strains B) khác nhau về mặt di truyền và vắc xin Bexsero nhờ có 4 thành phần có thể cung cấp khả năng diệt khuẩn hiệp đồng và khả năng bao phủ các chủng B rộng hơn so với vắc xin VA-Mengoc-BC (có 1 thành phần kháng nguyên OMV).

Vì vậy, khi đã tiêm VA-Mengoc-BC vẫn có thể tiêm thêm vắc xin Bexsero để tối ưu hóa hiệu quả phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu khuẩn nhóm B gây ra, đảm bảo rằng cơ thể được bảo vệ tốt nhất khỏi nguy cơ mắc các loại viêm màng não do các nhóm vi khuẩn khác nhau.

ThS.BS. Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)

ThS.BS. Trần Thu Nguyệt