Cơ quan quản lý tiếp tục cảnh báo
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục cảnh báo về việc sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Res-1000 đang được quảng cáo với nội dung vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Cụ thể, trên Facebook tại đường link: https://www.facebook.com/Tokyo... đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK Res-1000 với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh nghĩa bác sĩ, lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link Facebook nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Được biết, TPBVSK Res-1000 do Công ty TNHH Y tế Minh Ngọc (Địa chỉ: DV22 - LK529 Khu đất dịch vụ Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Sản phẩm được sản xuất tại: Hokoen Pharmaceutical Co., Ltd Địa chỉ: 1276-1, Utazu-cho, Ayauta-gun, Kagawa, Nhật Bản).
Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, không chỉ trên trang Facebook Tokyo Res-1000 nêu trên, mà TPBVSK Res-1000 còn được quảng cáo tại nhiều website, nền tảng khác nhau với nội dụng vi phạm tương tự.
Theo đó, tại website https://tokyores1000.com/ đã sử dụng lời cảm ơn của bệnh nhân để giới thiệu sản phẩm TPBVSK Res-1000. Cụ thể, trong mục "Trải nghiệm khách hàng", website tokyores1000.com dẫn các chia sẻ được cho là của người bệnh ung thư.
Tại các bài viết này, sau khi nói về căn bệnh ung thư, website tokyores1000.com đã dẫn những lời giới thiệu "có cánh" về sản phẩm TPBVSK Res-1000 như thể một liệu pháp hữu hiệu để cải thiện tình trạng bệnh, với những công dụng "thần thánh" như một phương thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, trong bài viết Tokyo Res-1000 – Không còn suy kiệt, sụt cân sau xạ trị, website tokyores1000.com dẫn lời bệnh nhân: “Thời gian đó là chuỗi ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi, khi ăn không biết ngon, đêm thường mất ngủ, lại thêm việc đi ngoài liên tục khiến người mệt lả, không còn sức lực để bước đi nổi phải ngồi xe lăn, chỉ 6 tuần mà tôi sụt gần chục ký chỉ vì không biết tới Tokyo Res 1000”, hay "Tác dụng phụ của việc điều trị gần 2 năm không hết, lại thuyên giảm chỉ sau 2 tháng sử dụng Tokyo res 1000".
Trên trang web này còn quảng cáo TPBVSK Res-1000 có công dụng gây hiểu lầm như thuốc bệnh gồm: “Ức chế thành công sự tăng sinh mạch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u; Hỗ trợ ngăn ngừa sự tái phát ung bướu và xâm lấn di căn của tế bào ung thư đến các cơ quan mô phủ”.
Doanh nghiệp nói đại lý làm
Đây không phải là lần đầu tiên Cục ATTP đưa ra cảnh báo liên quan đến các thông tin quảng cáo cho sản phẩm TPBVSK Res-1000. Trước đó, tháng 6/2020, Cục ATTP cũng đã lên tiếng cảng báo về sản phẩm này.
Cụ thể, Cục ATTP đã đưa cảnh báo về việc các website https://itppharma.com/tokyo-re...; https://thuoctot24h.com/tokyo-...; https://tiki.vn/thuc-pham-danh...; https://tokyores1000.com/tokyo... có nội dung quảng cáo sản phẩm TPBVSK Res-1000 không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng,vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Công ty TNHH Y tế Minh Ngọc cho biết, sản phẩm Tokyo Res-1000 do công ty nhập khẩu và phân phối. Sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong toàn quốc và cấp phép quảng cáo.
Tuy nhiên, công ty không thực hiện quảng cáo trên các website trên mà do các đại lý phân phối quảng cáo. Công ty đã liên hệ đại diện nhà phân phối yêu cầu thông tin quảng cáo như cấp phép từ Cục ATTP, Bộ Y tế.
Theo đại diện Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối TPCN đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.
Mức phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012. Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.