Giáo dục

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã đem lại niềm tin cho toàn xã hội

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, năm 2019, ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhất là kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 nền nếp hơn, chất lượng hơn hẳn năm 2018, tạo niềm tin cho toàn xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, mặc dù có nhiều thách thức nhưng năm học vừa qua, ngành giáo dục đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhất là kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nề nếp hơn, chất lượng hơn, hơn hẳn năm ngoái, tạo được niềm cho toàn xã hội.

Từ việc phân tích cụ thể những kết quả đạt được cùng hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số giải pháp lớn ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Cụ thể, thứ nhất: Các địa phương phải thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Tiếp tục rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, bố trí quỹ đất để xây dựng trường học; giải quyết dứt điểm việc thiếu trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Các trường sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường thành các nhà giáo dục chứ không phải thành thợ dạy; phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Tiến tới các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho địa phương mình, từ số lượng bao nhiêu, cơ cấu môn học thế nào và yêu cầu chuẩn trình độ năng lực, phẩm chất ra sao.

Các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn, đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Kiên quyết với các trường hạ điểm chuẩn, vơ vét học sinh đầu vào thấp, mượn giáo viên cơ hữu, không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng… Không chấp nhận tình trạng chất lượng giáo dục ĐH thấp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường ĐH “hữu danh vô thực”; trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.

Kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh nền giáo dục ĐH… Chỉ đạo khắc phục bất cập trong hệ thống giáo dục ĐH tốt hơn, có lộ trình bước đi rõ ràng hơn…

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Thứ 2: Với đội ngũ giáo viên, Thủ tướng đề nghị địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.

Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện có kết quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các địa phương phải chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo giáo viên cho địa phương mình, từ số lượng bao nhiêu, cơ cấu môn học thế nào và yêu cầu chuẩn trình độ năng lực, phẩm chất ra sao.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tinh gọn, hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học. Tạo các thiết chế văn hóa cho các cơ sở giáo dục.

Thứ 3: Năm học 2019-2020 cần tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống và kĩ năng sống cho HSSV.

Việc giáo dục đạo đức cho HSSV là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Nguyên lý giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội đã nói nhiều, nhưng thực hành chưa hiệu quả.

Giáo dục đạo đức, lối sống không chỉ trong nhà trường mà còn cần thông qua hoạt động trải nghiệm… Lưu ý giáo dục bằng nêu gương từ người lớn, đặc biệt mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức để học sinh noi theo.

Bộ GD&ĐT cũng được Thủ tướng yêu cầu chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong trường học, ban hành trước năm học mới.

Mai Nguyễn