Dữ liệu y khoa

Thoái hóa khớp - Bệnh lý cơ xương khớp thường gặp

  • Tác giả : TS.BS Cao Thanh Ngọc
Thoái hóa khớp gây đau, dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh. Trong đó, thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.

Khớp chịu lực dễ bị thoái hóa nhất

Mặc dù bất kỳ khớp nào trên cơ thể cũng có thể bị thoái hóa nhưng những khớp thường bị ảnh hưởng là các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng, cột sống và các khớp được sử dụng nhiều hằng ngày như các khớp ở bàn tay.

khop-goi-minh-hoa.jpg
Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Ảnh minh họa

Bệnh thoái hóa khớp thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở lên. Ngày nay, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo bão hòa và các yếu tố môi trường cũng như thói quen sinh hoạt khiến bệnh thoái hóa khớp có thể gặp ở lứa tuổi trẻ hơn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bị thoái hoá khớp gối chiếm khoảng 20% dân số trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ước tính, tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở người từ 40 tuổi trở lên chiếm trên 23%.

Bên cạnh đó, nếu bạn càng nặng cân, nguy cơ thoái hóa khớp càng gia tăng. Tăng cân làm tăng tải lên các khớp chịu lực như khớp háng và khớp gối. Bên cạnh đó, mô mỡ còn sản xuất các protein có thể gây phản ứng viêm bất lợi lên khớp. 

Công việc bạn đang làm hoặc môn thể thao bạn chơi cũng sẽ tạo thành một áp lực lặp đi lặp lại trên khớp. Vùng khớp đó có thể dễ dàng bị thoái hóa. Tuy nhiên, thiếu luyện tập thể dục thể thao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp vì khi đó sụn khớp bị kém nuôi dưỡng.

Đặc biệt, sai tư thế trong sinh hoạt, công việc và cuộc sống như khiêng vác nặng trong thời gian dài, ngồi cong lưng lâu ngày… cũng tạo áp lực không đều lên sụn khớp dẫn đến tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Chế độ ăn uống thiếu vi chất dinh dưỡng như canxi, phospho, vitamin D, K, đạm… cũng làm suy yếu hệ thống cơ xương khớp. Những vi chất dinh dưỡng này có thể tìm thấy trong sữa, thịt, trứng, trái cây…

Các bệnh lý như viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout…), chấn thương, bệnh lý chuyển hóa cũng làm gia tăng tình trạng thoái hóa khớp.

Chẩn đoán và điều trị sớm: Làm chậm tiến triển thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp ở giai đoạn muộn sẽ gây tàn phế. Người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh, giúp người bệnh bảo tồn chức năng vận động của khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đầu tiên để điều trị thoái hóa khớp, người bệnh cần kiểm soát cân nặng, điều chỉnh tư thế trong sinh hoạt và lao động gây ảnh hưởng xấu đến khớp, tăng cường hoạt động thể chất, tập các bài tập vận động tăng sức cơ, cải thiện dinh dưỡng. 

kham-khop-goi.jpg
Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm tiến triển của bệnh, bảo tồn chức năng vận động của khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa

Điều trị có thể giúp giảm đau, giúp khớp vận động tốt hơn và làm chậm diễn tiến của bệnh, bao gồm điều trị không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm… 

Ngoài ra, tùy giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp, người bệnh sẽ có chỉ định phẫu thuật và các điều trị hỗ trợ khác.

TS.BS Cao Thanh Ngọc (Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)

Bị đau xương khớp uống thuốc sao cho an toàn?

Hỏi: Chồng tôi mới 45 tuổi, hay bị đau xương khớp khi chơi thể thao. Tôi thấy nhiều người dùng sản phẩm Diacerein khi bị đau xương khớp. Xin BS tư vấn giúp cách dùng sản phẩm Diacerein khi đau xương khớp? Cảm ơn BS. 

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, diacerein là hoạt chất được chiết xuất từ phần dịch của cây lô hội (nha đam).

Để có được thành phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, cây lô hội phải được trồng ở nơi có thổ nhưỡng nhiều nắng (như Argentina) với thời gian lên đến 4 - 5 năm mới đủ chuẩn thu hoạch. 

diacerein.jpg

Diacerein có hiệu quả cải thiện triệu chứng đau và phục hồi chức năng trong thoái hóa khớp, thuộc nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm nên để đạt hiệu quả tối ưu cần phải sử dụng lâu dài.

Diacerein vì được chiết xuất từ cây lô hội, là dẫn xuất Anthraquinone, cho nên sẽ có kèm tác dụng nhuận tràng khi mới sử dụng trong 2 - 4 tuần đầu tiên. Vì vậy, người bệnh cần chú ý chỉ uống 1 viên/ngày trong 2 - 3 tuần đầu và uống trong bữa ăn để tăng lượng thuốc hấp thụ vào cơ thể sẽ giúp giảm tỷ lệ tác dụng nhuận tràng.

hinh-diacerein.jpg
Dược điển Châu Âu (European Pharmacopoeia) có quy định là nồng độ Aloe-emodin chỉ được phép <15ppm và hiện chỉ có 1 hãng trên thế giới là đáp ứng được tiêu chí khắt khe. 

Thông thường sẽ có lẫn tạp chất Aloe-emodin khi chiết xuất diacerein, và chất này cũng có tác dụng làm tăng nhu động ruột nên sẽ làm cho tác dụng nhuận tràng nặng hơn.

Đó là lý do vì sao Dược điển Châu Âu (European Pharmacopoeia) có quy định là nồng độ Aloe-emodin chỉ được phép < 15ppm và hiện chỉ có 1 hãng trên thế giới là đáp ứng được tiêu chí khắt khe này với nồng độ Aloe-emodin < 4ppm.

Tình trạng của chồng bạn cần đi khám để các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp thăm khám và xác định chính xác bệnh sớm để có những hướng dẫn phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày, chơi thể thao… cũng như dùng thuốc và các sản phẩm bổ sung giúp cải thiện hiệu quả cho các triệu chứng như đau xương khớp. 

TS.BS Cao Thanh Ngọc