Chữa bệnh không dùng thuốc

Thịt trai chữa đau nhức cơ xương, sinh lý yếu        

  • Tác giả : BS Nguyễn Văn Quang
(khoahocdoisong.vn) - Thịt trai chứa nhiều kẽm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh mỏng da teo cơ, loãng xương, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, thoái hóa khớp, xơ cứng mạch máu... do thiếu kẽm gây ra.

Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g thịt trai có 89,9g nước, 4,6g protid, 1,1g lipit, 2,5g glucid, 1,9g tro, 668mg canxi, 107mg photpho, 1,5mg sắt, 0,46mg vitamin B2, 3,1mg vitamin PP… cung cấp được 39 Kcal. Ngoài ra trong thịt trai còn có nhiều loại vitamin và chất khoáng khác và giàu chất kẽm.

Trong nhân dân ta cháo trai vẫn được xem là món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt những người bị tăng huyết áp, nam giới bị u  xơ tuyến tiền liệt hoặc bị yếu sinh lý dùng cháo trai đều tốt. Với người bị tăng huyết áp, để tăng tác dụng hạ huyết áp có thể dùng lá dâu bánh tẻ thái nhỏ nấu cùng với món cháo trai.

Với người bị u xơ tuyến tiền liệt có các biểu hiện đi tiểu rắt, nước tiểu không thành tia mạnh, ăn cháo trai có tác dụng thông tiểu tiện, rất thích hợp. Người mắc bệnh đái tháo đường dùng món cháo trai nên thay gạo tẻ bằng bột củ mài sẽ thấy kết quả tốt hơn.

 Đặc biệt, trong thịt trai có nhiều kẽm, một nguyên tố vi lượng quan trọng đối với con người. Cơ thể người lớn trung bình chứa 2-3 g kẽm. Một nửa nằm trong cơ, 1/3 trong xương. Hàm lượng kẽm cao nằm trong tuyến tiền liệt, tóc, mắt nên thiếu kẽm thì các cơ quan này dễ mắc bệnh.

Thiếu kẽm lâu dài gây mỏng da teo cơ, loãng xương, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, thoái hóa khớp, xơ cứng mạch máu, các bệnh ngoài da (vảy nến, Herpes, trứng cá) và nhiều bệnh tật khác.

Việc dùng thịt trai có thể bổ sung kẽm mà không gặp những phiền toái như dùng thuốc. Trong 100g  thịt trai có 70mg kẽm, gần gấp đôi so với thịt bò. Ngoài ra, thịt trai còn quý vì chất béo của nó không gây hại. 

Theo Đông y, trai vị ngọt đậm, tính hàn, có công năng bổ âm, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc; thường dùng cho trẻ em hay ra mồ hôi trộm, chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú, băng huyết, khí hư và chữa mắt bị sưng đỏ do nhiệt, nhặm mắt. Trai rất tốt cho người bị lòi dom, trĩ chảy máu. Thịt trai khô là thức ăn, thuốc bổ thận từ xưa của y học Đông phương để phòng chữa bệnh.

Cháo trai: Có tác dụng bổ âm, chữa ra mồ hôi trộm. Trai làm sạch luộc lấy nước, thịt trai thái rồi ướp mắm tiêu, nấu cháo nhừ rồi cho trai vào quấy đều, cho gia vị, cho hành răm nếu dùng cho người lớn. Nếu dùng cho trẻ em thì cho lá dâu, ăn nóng.

Giải nhiệt, mát bổ: Trai luộc chín, thái nhỏ, ướp gia vị vừa ăn, xào với hành phi thơm. Lọc nước luộc trai, đun sôi lại rồi cho trai đã xào vào, cho hành, răm, đảo đều, ăn với cơm. Hoặc nấu món canh chua gồm thịt trai, quả me, cà chua, rau răm, hành. Phụ nữ có thai dùng món ăn này rất tốt.

Chữa mồ hôi trộm ở trẻ em: Trai luộc chín, gỡ thịt. Lấy 50g thịt trai thái nhỏ, trộn với một nắm lá dâu non đã rửa sạch, thái nhỏ. Nấu đến khi nhừ thịt trai, thêm ít muối vừa ăn. Cho trẻ ăn hai lần trong ngày để chữa mồ hôi trộm và chứng trẻ hay khóc về đêm. Dùng liền trong 3 – 5 ngày.

Chữa nam giới yếu sinh lý: Chọn con trai to, lấy thịt trai băm nhỏ với mộc nhĩ, giò sống, hành củ, gia vị vừa đủ. Viên thành viên nhỏ cho vào vỏ trai, nướng trên bếp than. Ăn nóng với nước mắm, chanh, ớt. Đối với nam giới trung niên hoặc cao tuổi bị yếu sinh lý, nấu cháo trai ăn thường xuyên sẽ thấy tác dụng tốt.

Chữa nhức mỏi cơ xương, ho có đờm: Lấy thịt trai băm nhuyễn với thịt ba chỉ, ướp gia vị, bọc với lá xương sông hoặc lá lốt. Nướng trên than, ăn nóng.                      

 BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)

BS Nguyễn Văn Quang