Giáo dục

Thầy giáo dạy địa tự chế máy đo thân nhiệt

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Xuất phát từ việc thấy máy đo thân nhiệt trên thị trường khó mua và giá thành đắt đỏ, thầy giáo dạy môn địa lý đã tự chế tạo máy đo thân nhiệt thông minh.

Không mua được thì… tự chế tạo

Xuất phát từ việc máy đo thân nhiệt khan hiếm và giá thành đắt đỏ, thầy giáo Mai Trọng Hữu, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chế tạo máy đo thân nhiệt thông minh.

Máy đo thân nhiệt thông minh của thầy giáo dạy địa đã được sử dụng tại Trường THCS Lương Nghĩa.

Máy đo thân nhiệt thông minh của thầy giáo dạy địa đã được sử dụng tại Trường THCS Lương Nghĩa.

“Thời điểm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19, Trường tôi có  tìm đặt mua nhiệt kế điện tử để phục vụ cho việc theo dõi thân nhiệt học sinh khi đến trường. Tuy nhiên, lúc đó hàng khan hiếm, không thể mua được máy. Chính vì lẽ đó tôi đã nghiên cứu và sáng chế ra máy đo thân nhiệt thông minh. Trước mắt, là nhằm giải quyết giải quyết khó khăn của nhà trường, sau đó là hy vọng có thể giúp ích được các trường trong địa bàn”, thầy Hữu chia sẻ.

Từ khi hình thành ý tưởng đến khi có sản phẩm mất khoảng 1 tháng. Điều đặc biệt, thầy Hữu không phải là giáo viên dạy công nghệ thông tin, mà là một thầy giáo dạy địa lý. Trong khi, quá trình thực hiện sản phẩm lại đòi hỏi khả năng về công nghệ thông tin, lập trình trên phần cứng. 

Để khắc phục hạn chế này, thầy đã không ngừng tìm kiếm tham khảo một số tài liệu, website về những vấn đề liên quan đến sản phẩm. Thầy cũng đã tự mày mò học thêm về tin học, lập trình.

 “Có một thuận lợi, đó là tôi là một trong những thành viên trong CLB trải nghiệm sáng tạo Giáo dục trung học tỉnh Hậu Giang. Tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các thành viên CLB: Thầy Hòa, thầy Long (phòng GD trung học), thầy Quan (trường THPT chuyên Vị Thanh) về khả năng tin học, lập trình, trao đổi và chia sẽ những kinh nghiệm về thực hiện dự án. Nếu không có sự hỗ trợ của tập thể, tôi cũng không thể hoàn thành được sản phẩm”, thầy Hữu chia sẻ.

Và điều quan trọng nhất, đó là niềm đam mê đối với nghiên cứu khoa học. Thầy Hữu đã có nhiều năm hướng dẫn học trò tham gia các hội thi khoa học kỹ thuật tin học trẻ. Năm 2019, học trò thầy hướng dẫn đã đạt giải ba cuộc thi tin học trẻ cấp quốc gia.

Sản phẩm được ứng dụng tại trường

Thầy Nghĩa cho biết, cách sử dụng Máy đo thân nhiệt thông minh ngăn ngừa Covid-19 rất đơn giản.

Học sinh sử dụng máy dễ dàng,

Học sinh sử dụng máy dễ dàng,

Người cần đo thân nhiệt đặt trán trước ống kính, với thời gian 3 giây. Sau đó, quan sát thân nhiệt trên màn hình. Nếu nhiệt độ thấp hơn 370C thì đèn led màu đỏ sẽ không phát sáng (nhiệt độ cơ thể bình thường). Còn khi nhiệt độ cao hơn 370C thì đèn led màu đỏ sẽ phát sáng.

Trao đổi với PV KH&ĐS, thầy Hữu cho biết, so với máy nhiệt kế điện tử cầm tay thông thường, ưu điểm vượt trội của sản phẩm là không cần giáo viên đứng đo nhiệt độ trực tiếp, thay vào đó sẽ theo dõi qua màn hình từ xa. Điều này giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ hai, là cả người đo và người được đo thân nhiệt đều quan sát được nhiệt độ đo.

Đặc biệt, máy sẽ quản lý dữ liệu nhiệt độ thân nhiệt của từng cá nhân theo thời gian thực. Dữ liệu nhiệt độ sẽ được lưu lại, tạo thành một “lịch sử” về sức khỏe, giúp việc quản lý sức khỏe của học sinh sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, giá thành của sản phẩm cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng, khá rẻ so với một số sản phẩm đo thân nhiệt có trên thị trường. Máy nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng, hoạt động ổn định.

Sản phẩm đã được thực nghiệm tại trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và bước đầu đạt được nhiều kết quả mong đợi.

“Kết quả khảo sát ở đây là kiểm soát tốt được thân nhiệt của học sinh khi đến trường. Tỉ lệ chính xác cũng đạt trên 90%”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Hiện tại trong thời gian nghỉ học, thầy Hữu đang tiếp tục nghiên cứu và cải tiến khắc phục một số hạn chế để thiết bị thêm hoàn chỉnh.

Trong đó, khắc phục tính cơ động của con mắt cảm biến, sẽ tư động. Khi học sinh đo thì máy sẽ tự động điều chỉnh theo độ cao của người sử dụng. Điều này sẽ hạn chế tiếp xúc bề mặt, tránh lây lan bệnh tật.

Thầy Hữu cho biết, trong thời gian  tới, khi hoàn thiện sản phẩm, thầy sẽ chia sẻ với các trường trong huyện, với mong muốn được góp sức mình vào trong cuộc chiến chống Covid-19, để mong dịch bệnh sớm chấm dứt.

Tại cuộc họp trực tuyến bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, trước phản ánh của các địa phương về vấn đề này,  Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thực tế dù có tiền nhưng chưa chắc đã mua được một lúc với số lượng lớn bởi ngoài thị trường không có đủ. Do đó, các trường cần linh hoạt, không quá máy móc, làm sao vẫn giám sát, theo dõi được sức khỏe của học sinh.

“Không có máy đo điện tử thì chúng ta có thể sử dụng nhiệt kế cặp nách, vấn đề quan trọng nhất là phát hiện, nhận thấy thân nhiệt của trẻ có dấu hiệu sốt”- ông Hạnh nói.

Mai Nguyễn