Y học và đời sống

Thanh lọc phổi, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí thế nào?

  • Tác giả : Định Tâm (tổng hợp)
Nhằm tránh ô nhiễm môi trường “tấn công” lá phổi, khiến phổi suy yếu, việc thanh lọc phổi rất quan trọng.
Thời gian gần đây, ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Có những hôm, ứng dụng PAM Air cảnh báo chất lượng không khí một số khu vực ở mức nguy hiểm tới sức khỏe.
Được biết, ô nhiễm không khí là tình trạng không khí chứa nồng độ cao các chất ô nhiễm có khả năng gây hại cho con người, động vật, thực vật hoặc các tòa nhà. Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. WHO ước tính, tiếp xúc không khí ô nhiễm là nguyên nhân khiến 4,2 triệu người tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.
Theo trang Lung.org, tác hại của ô nhiễm không khí đối với phổi phụ thuộc vào loại và nồng độ của chất gây ô nhiễm. Trong đó, các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến nhất là bụi mịn (các hạt nhỏ có thể gây kích ứng và tổn thương đường thở), nitrogen dioxide (gây kích ứng đường hô hấp, hen suyễn, COPD), Ozone (làm giảm dung tích phổi, kích ứng đường thở) và Sulfur dioxide (gây kích ứng niêm mạc đường thở).
Cach thanh loc phoi, bao ve suc khoe khi o nhiem khong khi
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến phổi suy yếu. (Ảnh minh họa)
Đáng lưu ý, ô nhiễm không khí kết hợp tình trạng mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, lây lan, ảnh hưởng tiêu cực đến những đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, người sức khỏe kém và người có bệnh về hô hấp.
Cách thanh lọc phổi
Thời gian qua, miền Bắc nhiệt độ ấm, ẩm kết hợp tình trạng ô nhiễm không khí khiến lượng bệnh nhân viêm, tắc nghẽn đường hô hấp tăng. Để bảo vệ sức khỏe, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến nghị người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Khi ra khỏi nhà, bạn nên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng.
Nhằm tránh ô nhiễm môi trường “tấn công” lá phổi, khiến phổi suy yếu, việc thanh lọc phổi rất quan trọng. Theo trang Lung.org, bạn nên bỏ thuốc, tăng cường tập luyện, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh,...
Ngừng hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động. Nếu bạn hút thuốc lá, bỏ hút thuốc là cách nhanh nhất giúp cải thiện sức khỏe phổi. Thực vậy, khói thuốc làm thu hẹp đường dẫn khí, khiến việc hô hấp khó khăn. Thời gian hút thuốc càng lâu càng dễ đối diện viêm phế quản, viêm phổi mãn tính, sưng phổi, COPD, thậm chí là ung thư.
Ngoài thói quen hút thuốc, hút thuốc thụ động cũng gây ra nhiều vấn đề như nhiễm trùng đường hô hấp. May mắn thay, chỉ 24 giờ sau khi bạn bỏ hút thuốc, cơ thể bắt đầu sửa chữa những tổn thương và nguy cơ mắc bệnh giảm đáng kể.
Tăng cường tập luyện. Tập luyện thường xuyên không chỉ tốt cho phổi mà còn có lợi cho tim. Jeffrey Scott – chuyên gia về phổi tại Tập đoàn Y tế Reliant (Mỹ) cho biết, hoạt động thể chất khiến tim và phổi làm việc chăm chỉ hơn để cung cấp oxy cho cơ bắp; tăng cường các cơ giúp phổi mở rộng. Để nhận được lợi ích tuyệt vời này, bạn cần đảm bảo tập luyện ít nhất 150 phút mỗi tuần. Thời gian tập luyện cũng cần phân bổ hợp lý, khoảng 30 phút mỗi ngày.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh, uống đủ nước. Theo chuyên gia, Chế độ ăn lành mạnh rất cần thiết để thanh lọc phổi, dưỡng phổi. Mỗi ngày, bạn nên ưu tiên rau xanh (ót đỏ, bơ, rau xanh, cà chua), trái cây tươi (các loại quả mọng, táo, chuối), thực phẩm giàu chất xơ (bánh mì nguyên hạt, lúa mạch, khoai tây nướng), protein và các chất béo lành mạnh (dầu ô liu, dầu hạt cải).
Cach thanh loc phoi, bao ve suc khoe khi o nhiem khong khi-Hinh-2
Chế độ ăn khoa học, uống đủ nước góp phần dưỡng phổi, thanh lọc phổi hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, uống đủ nước giúp làm mỏng màng nhầy trong đường thở và phổi, giúp việc hô hấp dễ dàng hơn. Ngược lại, thiếu nước khiến chất nhầy trở nên đặc và dính. Ngoài việc làm chậm quá trình hô hấp, nó còn khiến bạn dễ mắc bệnh hoặc bị dị ứng nặng hơn.
Tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời. Để giảm thiểu mối nguy từ ô nhiễm không khí, bạn nên tránh những khu vực có mức độ ô nhiễm cao như đường chính; giảm thời gian ra ngoài vào giờ cao điểm khi mức độ ô nhiễm cao nhất; đóng cửa sổ và đặt điều hòa để tái chế không khí ở trong ô tô.
Cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Nhiều người nhầm tưởng không khí trong nhà luôn đảm bảo. Thực tế, chất lượng không khí trong nhà có thể bị ảnh hưởng bởi khói thuốc, hóa chất gia dụng, nấm mốc, radon,... Để đảm bảo sức khỏe phổi, bạn nên thường xuyên lau bụi, thay bộ lọc không khí và luôn giữ nhà không có khói thuốc.
Tập yoga, hít thở sâu. Yoga là bộ môn giúp cải thiện sức khỏe nói chung, kết hợp với hít thở sâu giúp cải thiện dung tích phổi, đẩy mạnh hơn việc thải tạp chất ra khỏi phổi. Nhờ vậy, góp phần thanh lọc phổi hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Ung thư phổi có dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác?

Nguồn video: Vinmec

Định Tâm (tổng hợp)