Làm đẹp

Tập căng cơ giúp giảm đau xương khớp mùa lạnh

  • Tác giả : BSCKII Hà Tường
Khi thời tiết lạnh, bệnh lý cơ xương khớp thường tiến triển nặng hơn. Lý do là bệnh nhân ít vận động cùng với việc thời tiết lạnh gây ra hiện tượng co cơ, dịch khớp đặc quánh lại... Do đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Khi trời trở lạnh, nhiệt độ hạ thấp, cơ thể chúng ta có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường.

Hơn nữa, không khí lạnh xâm nhập vào cơ thể qua da cũng làm cho mạch máu ở vùng da đó co lại, làm giảm lưu thông của dịch khớp, máu đến các xương khớp bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây nên đau nhức.

Càng già càng dễ đau xương khớp

Sự tác động của các yếu tố bên trong cơ thể như rối loạn tuần hoàn tại chỗ nuôi dưỡng khớp kém, độ nhớt máu dịch khớp, sự thay đổi vận mạch, tình trạng muối kết tủa do nồng độ hóa chất trung gian thay đổi... là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp mùa lạnh.

Trời lạnh, độ ẩm tăng cao làm các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông hơn. Điều đó khiến khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động hơn.

Ở người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, kết hợp với các bệnh lý khớp mạn tính là nguyên nhân gây đau xương khớp, vì khớp bị thoái hóa do tuổi tác, khí huyết lưu thông suy giảm. Khi già đi, khả năng cơ thể sản xuất ra lượng chất nhầy cho khớp (chẳng hạn như acid hyaluronic) sẽ giảm bớt, dẫn đến tình trạng các khớp “không được bôi trơn”, gây đau đớn, viêm và chứng thấp khớp.

Khi đó, càng hạn chế vận động, hệ quả là càng khiến cho các khớp bị yếu hơn. Chìa khóa chính là luôn ở trong trạng thái năng động, duy trì các khớp xương vận động. Tất cả những cải thiện ở bất cứ chức năng nào của cơ đều đến từ quá trình căng cơ và phục hồi.

Căng cơ cảm giác nóng rát chính là một dấu hiệu gây tổn hại đến cơ bắp, cần thời gian phục hồi. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là DOMS, hay triệu chứng đau nhức cơ bắp bị trì hoãn thời điểm khởi phát.

Hiện tượng đau nhức này là một phản xạ bình thường đối với những lần gắng sức bất thường và là một phần trong quá trình thích nghi, mang lại sức chịu đựng và sức mạnh bền bỉ hơn vì cơ đã phục hồi, tạo nên những tế bào lớn để có thể trữ nhiều dưỡng chất và nước hơn.

Tập căng cơ giảm đau xương khớp - Ảnh minh họa

Tập căng cơ giảm đau xương khớp - Ảnh minh họa

Cách phòng, chữa đau xương khớp trời lạnh

Để đảm bảo hệ thống xương khớp khỏe mạnh trong mùa đông và dự phòng những bệnh lý không đáng có, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:

Giữ ấm cho cơ thể: Cần giữ ấm cơ thể, cổ, ngực, tay, chân, trong đó đặc biệt lưu ý giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).

Giúp khí huyết lưu thông: Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa bóp hoặc dùng cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa, nghỉ ngơi hợp lý.

Tránh làm việc lâu:Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, hãy từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung đầy đủ protein, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; Đồng thời ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả…

Sử dụng thuốc hợp lý: Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…). Với bệnh khớp, cần tránh thực hiện theo các kinh nghiệm truyền miệng thiếu tính khoa học, các thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nếu không muốn bệnh tình thêm nặng.

Tập luyện khoa học, hợp lý: Với tâm lý khi đau người bệnh không dám cử động khiến các khớp càng trở nên cứng. Tuy nhiên, thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Bạn không cần phải tập luyện như thể mình sẽ tham dự Olympic mới có thể có được thân hình cân đối. Tất cả những gì bạn phải làm là tập luyện cho nóng cơ, dừng lại khi thấy cơ bắt đầu thực sự rát, rồi đi theo nhịp độ đó thêm lần nữa và lại tập cho đến điểm đốt cháy cơ.

Đừng quên tập thể dục bằng cách căng cơ và phục hồi. Vấn đề của hầu hết những người đang cố gắng để cơ thể trở lại năng động không phải ở việc bắt đầu, mà ở việc duy trì nó. Do vậy, hãy nhớ duy trì thói quen tập luyện đều đặn.

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – không quân)

BSCKII Hà Tường