Tăng huyết áp thai kỳ, còn được gọi là tăng huyết áp do mang thai là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ. Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.
Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ có dấu hiệu như thế nào?
Mỗi phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác nhau và một bệnh nhân bị tăng huyết áp thai kỳ cũng có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể bao gồm:
• Cao huyết áp, đây là một triệu chứng điển hình của tăng huyết áp thai kỳ.
• Có protein trong nước tiểu (để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật)
• Phù (sưng)
• Tăng cân đột ngột,và tăng nhanh.
• Thay đổi thị giác như mờ hoặc nhìn đôi
• Buồn nôn ói mửa
• Đau bụng bên phải hoặc đau thượng vị.
• Đi tiểu ít
• Thay đổi xét nghiệm chức năng gan hoặc thận.
Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và bé - Ảnh BSCC |
Phòng ngừa tăng huyết áp và tiền sản giật
Tiền sản giật là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20, trong đó cao huyết áp thai kỳ là một trong những biểu hiện của bệnh này. Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé như làm tăng nguy cơ sinh non hay sinh con thiếu cân.
Phụ nữ có nguy cơ cao hoặc trung bình với tiền sản giật nên theo dõi và được bác sĩ sản khoa kiểm soát thai kỳ chặt chẽ.
Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đến cả mẹ và bé, vì thế ngay khi biết mang thai, các bà mẹ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát và tư vấn điều trị hợp lý nếu có phát hiện tăng huyết áp thai kỳ.
ThS.BS Tô Văn An (Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc)