Dữ liệu y khoa

Tá hỏa các loại mỹ phẩm “làm sạch” bị thu hồi

  • Tác giả : Phạm Nga
Chỉ trong 5 ngày Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra văn bản thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều đáng nói là các loại mỹ phẩm này không chỉ vượt chỉ tiêu về ngưỡng vi sinh vật gây hại cho da mà còn chứa cả chất methylisothiazolinone gây ăn mòn, sưng viêm...

Nguy hại dung dịch vệ sinh phụ nữ lại... “bẩn”

Chỉ trong 5 ngày từ ngày 19 - 23/5/2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều đáng nói là trong số 3 sản phẩm này có 2 sản phẩm là dung dịch vệ sinh phụ nữ vượt ngưỡng chỉ số về vi sinh vật.

Cụ thể: Ngày 23/5, Cục Quản lý Dược có công văn Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm mỹ phẩm Dung dịch vệ sinh phụ nữ Tinh dầu gừng (số lô: 264; ngày sản xuất: 20/02/22; hạn dùng: 20/02/25; trên nhãn ghi: Công ty TNHH Tinh dầu Cỏ may (VPĐD: A 208 đường 30/4, Hải Châu, Đà Nẵng, nhà máy: Phước Lâm, Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam); Điện thoại: 0888854554, SCB: 02/16/CBMP-QNa).

tinh-dau-gung.jpg
Sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ tinh dầu ngừng - Minh họa

Cục Quản lý Dược yêu cầu: Công ty TNHH Tinh dầu Cỏ may phải: Gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Dung dịch vệ sinh phụ nữ Tinh dầu gừng 100ml nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả về từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/6/2022.

Tương tự ngày 19/5, Cục Quản lý Dược cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Công ty cổ phần sáng tạo Âu Châu (Địa chỉ: 162 phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội); Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Lan Hương (Địa chỉ: Số nhà 25, khu Việt Hà, tổ dân phố Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đó là sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Tulise 100ml (số lô: 1A.22; ngày sản xuất: 3/1/22; hạn dùng: 02/01/25; trên nhãn ghi SĐK: 5484/19/CBMP-HN, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Lan Hương sản xuất vì sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.

Công ty cổ phần sáng tạo Âu Châu, Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Lan Hương phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Dung dịch vệ sinh phụ nữ Tulise 100ml nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả về từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Gửi báo cáo thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục Quản lý Dược trước ngày 15/6/2022.

thu-hoi-dung-dich-ve-sinh-phu-nu-1653130874613230592257(1).jpg

Trao đổi về vấn đề vượt ngưỡng vi sinh vật, ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện T.Ư 71 cho biết, các loại vi sinh vật và nấm mốc được quy định giới hạn trong phạm vi cho phép bởi các quy chuẩn của Bộ Y tế. Khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm định mà mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm thì họ thu hồi sản phẩm.

Khi sản phẩm vượt ngưỡng cho phép tức là sản phẩm không sạch như đăng ký thì không tốt cho những bộ phận đang cần sát khuẩn. Nhất là đối với phần phụ của nữ giới “cứ tưởng tượng là dung dịch để vệ sinh mà lại không sạch thì nguy to... Các loại vi sinh vật và nấm mốc sẽ gây hại cho người sử dụng”, ThS.DS Lê Quốc Thịnh thông tin.

Theo phụ lục số 06-MP, ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm thì vi sinh vật là những sinh vật có kích thước rất nhỏ, thường được đo bằng micromet và phải sử dụng kính hiển vi mới quan sát được, bao gồm vi khuẩn, nấm men… Chúng ta có sức khỏe tốt nhờ vào việc hệ vi sinh vật trong cơ thể và trên làn da của chúng ta được cân bằng và khỏe mạnh. Và làn da của chúng ta đẹp cũng nhờ vào việc hệ vi sinh vật trên da được cân bằng và khỏe mạnh.

Như vậy, nếu sử dụng mỹ phẩm có nhiều vi sinh vật và có những loài vi sinh vật có hại thì làn da của chúng ta sẽ trở nên yếu hơn và chức năng bảo vệ cơ thể của làn da sẽ bị hỏng hóc.

Giới hạn tổng số vi sinh vật đếm được là 500 hoặc 1.000 CFU trên 1g. CFU là đơn vị tạo thành khuẩn lạc. Nói dễ hiểu thì CFU là một con vi sinh vật sau khi được nuôi cấy, nó không chết mà lại sinh sôi nảy nở thành một cụm vi sinh vật có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mỗi một con có thể sinh sôi như vậy là một đơn vị CFU. Ở đây người ta sẽ cho một mẫu mỹ phẩm chẳng hạn như kem dưỡng vào một môi trường nuôi cấy vi sinh vật, sau một thời gian họ mang mẫu đấy ra để đếm và xác định xem là, với mỗi gram kem dưỡng đấy thì có bao nhiêu CFU.

Nếu với mỗi gram kem dưỡng mà có trên 500 hoặc 1.000 (tùy cấp độ an toàn) con vi sinh vật sống và sinh sôi được trong môi trường nuôi cấy thì mỹ phẩm đó không đạt chất lượng và phải thu hồi, tiêu hủy.

Ngoài ra, còn có các chỉ tiêu vi sinh vật khác như Pseudomonas aeruginosa là trực khuẩn mủ xanh, có thể gây suy giảm hệ miễn dịch và có thể gây chết người; Staphylococcus aureus là tụ cầu vàng, loài này là một phần của hệ vi sinh vật sống thường trú ở da và mũi. Nhưng trong trường hợp xấu thì nó lại gây ra hiện tượng nhiễm trùng, thậm chí là nhiễm trùng nặng. Đặc biệt, nếu con này bị ăn vào trong cơ thể thì có thể gây ra ngộ độc thực phẩm ở nhiều mức độ, thậm chí tử vong; Candida albican là một loại nấm. Rất nhiều bệnh nấm ngoài da, nấm khoang miệng hoặc các bệnh viêm âm đạo là do nhiễm nấm này.

Giới hạn của 3 loài vi sinh vật này trong mỹ phẩm là không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử.

Theo phụ lục số 06-MP, ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm thì giới hạn vi sinh vật như sau:

STT
Chỉ tiêu
Giới hạn
Sản phẩm dành cho trẻ em dưới 03 tuổi, sản phẩm tiếp xúc với vùng mắt hoặc niêm mạc
Sản phẩm khác
1
Tổng số vi sinh vật đếm được
=<500cfu/g
=<1.000cfu/g
2
P. aeruginosa
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử
3
S. aureus
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử
4
C. albicans
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử
Không được có trong 0,1g hoặc 0,1ml mẫu thử

Hoạt chất ăn mòn gây bong tróc da trong nước rửa tay

Cũng trong ngày 19/5, Cục Quản lý Dược có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm sữa rửa tay sạch khuẩn Dr. Clean hương dâu của Công ty cổ phần Today Cosmetics sản xuất và Công ty cổ phần Fit Cosmetics trên toàn quốc. Sản phẩm Sữa rửa tay sạch khuẩn Dr. Clean Hương dâu (số lô: 088U1; ngày sản xuất: 23/10/2021; hạn dùng: 23/10/2024; trên nhãn ghi: Phiếu CBSPMP: 225/17/CBMP-LA ngày 10/5/2017 không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu "Chất bảo quản nhóm Isothiazolinon" theo quy định tại Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN và Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011.

rua-tay.jpg

Theo ThS.DS Lê Quốc Thịnh, methylchloroisothiazolinone hay còn gọi là MCI. Đây là một chất bảo quản có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm trong nhóm isothiazolinone. Nó gây ăn mòn, bong tróc, sưng viêm da nếu vượt quá ngưỡng cho phép. Nếu sử dụng các loại mỹ phẩm có hoạt chất đó trong một thời gian dài sẽ bị ăn mòn, để lại một số triệu chứng bên ngoài như bong tróc, da nổi mẩn đỏ, nổi mụn, thậm chí sưng viêm...

Methylisothiazolinone và Paraben có tác dụng kháng khuẩn, nấm, từng được cho phép dùng làm chất bảo quản trong dược phẩm, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm. Theo Cục Quản lý Dược, các chất này từng có mặt trong khoảng 22.000 sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, nước hoa hồng, kem cạo râu, khăn ướt, sữa tắm… Từ ngày 1/7/2015 đã có quy định không được sản xuất, lưu hành các sản phẩm chứa methylisothiazolinone trên thị trường. 

Phạm Nga