Y học và đời sống

Sữa tiểu đường Gluzabet quảng cáo như thuốc chữa bệnh

  • Tác giả : Hương Nguyên
Người tiêu dùng không căn cứ nội dung quảng cáo về Sữa tiểu đường Gluzabet trên một số trang web để mua và sử dụng, vì nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế.

Đây là cảnh báo của Cục An toàn Thực phẩm (ATTP). Theo đó, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Gluzabet quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật, gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, không đúng với nội dung được xác nhận. Cục ATTP đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.

Bị cảnh báo… vẫn nhờn, tiếp tục quảng cáo vi phạm

Ghi nhận của PV Khoa học và Đời sống ngày 9/5, một số trang web vẫn quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPBVSK Gluzabet. Trang Minh Hương Pharmacy (https://nhathuocminhhuong.com/san-pham/thuc-pham-chuc-nang/sua-non-tieu-duong.html) quảng cáo: Sữa Gluzabet là sữa tiểu đường áp dụng công nghệ chiết sinh học đầu tiên tại Việt Nam. Gluzabet giúp tăng cường sức đề kháng, giảm tình trạng mệt mỏi của người bệnh; Kiểm soát lượng đường, ổn định huyết áp; Bổ sung thành phần sữa non kháng thể, tăng cường miễn dịch, kiềm chế sự phát triển của bệnh tiểu đường...

Các trang khác như Sữa số 1 Hoa Kỳ (https://www.suaso1hoaky.online/gluzabet2?B) và Nhà thuốc Minh Châu (https://www.nhathuocminhchau.click/hoangwolfthang5?gclid=Cj0KCQjwu-KiBhCsARIsAPztUF25TtjkHws2vQlPexSHgteyCnqGo8fKwXzytNFYMUcubCZWhR91O0QaAv-mEALw_wcB) quảng cáo Gluzabet xua tan tiểu đêm, mờ mắt, tê bì cùng hàng loạt hình ảnh diễn viên, nghệ sĩ như Quốc Thuận, Tấn Beo, Phương Dung, Ngân Quỳnh, Thanh Hằng quảng cáo công dụng sản phẩm “tuyệt vời, giúp kiểm soát lượng đường”; không còn tê bì chân tay, mờ mắt sau 10 ngày uống sữa tiểu đường, dùng 20 ngày tiểu đường chỉ còn mức 5,6…

TPBVSK Gluzabet quảng cáo trên các trang web.

TPBVSK Gluzabet quảng cáo trên các trang web.

Bên cạnh đó, trang web này cũng đăng tải video PGS.TS.BS Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, quảng bá cho sản phẩm.

Phóng viên đã liên hệ số hotline 088 9999... trên website https://www.suaso1hoaky.online và 08798 868 của trang web https://www.nhathuocminhchau.click (hai trang này đều để địa chỉ nguồn là Công ty CP Kinh doanh Thương mại Dragon), một người tên Đạt cho biết, trang web trên và số hotline là tổng đài của Công ty Cổ phần Kinh doanh - Thương mại Dragon, địa chỉ tại số 3 ngõ 112/15/38 Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Vị này cũng khẳng định: “Bên em không sai phạm gì về quảng cáo sản phẩm. Việc dùng hình ảnh nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo sản phẩm đó là người thật, việc thật...”?!

TPBVSK Gluzabet quảng cáo trên các trang web

TPBVSK Gluzabet quảng cáo trên các trang web

Công ty Dragon nói gì?

“Khi làm việc với Cục ATTP, Công ty Dragon có trách nhiệm kiểm tra kênh bán hàng, nhưng có những trường hợp không nằm trong phạm vi của công ty, có khi còn sót lại”, ông Nguyễn Văn Khiên, đại diện Công ty Cổ phần Kinh doanh Thương mại Dragon (số 3 ngõ 112/15/38 Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), đơn vị chịu trách nhiệm công bố, chất lượng sản phẩm TPBVSK Gluzabet, nói.

Theo ông Khiêm, Công ty ghi nhận phản ánh từ Khoa học & Đời sống và rà soát để làm việc với các kênh bán sản phẩm của công ty, sẽ phản hồi sớm nhất.

PGS.TS.BS Trần Đình Toán quảng cáo TPBVSK Gluzabet (Hình cắt từ video trên web)

PGS.TS.BS Trần Đình Toán quảng cáo TPBVSK Gluzabet (Hình cắt từ video trên web)

Trong một diễn biến tương tự, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cho rằng: Cần khắc phục triệt để tình trạng khi cơ quan quản lý phát hiện về quảng cáo của một sản phẩm TPCN, TPBVSK nào đó vi phạm nhưng liên hệ đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thì lại bảo “không phải doanh nghiệp của tôi”, “không phải chúng tôi làm”...

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần có những quy định rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh; nếu quảng cáo không phải do đơn vị làm thì khi phát hiện, cần báo ngay cho cơ quan quản lý, tránh trường hợp khi kiểm tra, thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi vẫn nhận lợi nhuận../.

Tại Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" diễn ra cuối tháng 12/2022 tại Hà Nội, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết, những hành vi bị cấm trong quảng cáo TPCN là sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng. Ngoài ra, không sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"… để quảng cáo sản phẩm.

“Đáng chú ý là việc sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm diễn ra rất phổ biến. Người nào cũng rất nhiều bệnh”, bà Nga nhấn mạnh.

Hương Nguyên