KINH TẾ

TPCN Karuma quảng cáo tiêu u… đã “chết yểu”?

  • Tác giả : Quỳnh Hương
Đại diện Công ty TNHH TM và DV DFA cho biết, TPBVSK Karuma đã không còn được bán trên thị trường. Sự thật là thế nào?

Đại diện Công ty TNHH TM và DV DFA cho biết, TPBVSK Karuma đã không còn được bán trên thị trường. Sự thật là thế nào?

Như bài viết “Quảng cáo tiêu u xơ tận gốc, TPCN Karuma sai phạm?” phát hành trên Khoa học và Đời sống số 7 ngày 16/2/2023: Sản phẩm Karuma do Công ty TNHH TM và DV DFA (xóm 7, xã Giao Yến, Giao Thủy, Nam Định) chịu trách nhiệm phân phối, chất lượng sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quảng cáo bán sản phẩm lừa dối người tiêu dùng.

Karuma “chết yểu” sau một tháng được công bố sản phẩm

Nhằm thông tin khách quan và đa chiều, ngày 18/2, PV đã liên hệ làm việc với ông Lê Xuân Trác, đại diện Công ty TNHH TM và DV DFA (Nam Định), đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm TPBVSK Karuma ra thị trường.

Ông Lê Xuân Trác cho hay: “Công ty TNHH TM và DV DFA liên kết với nhà máy sản xuất TPCN Karuma, sau khi nhận giấy phép công bố sản phẩm được một tháng thì DFA không kinh doanh sản phẩm Karuma nữa, vì chi phí quá lớn, lợi nhuận thấp nên phải dừng”?!.

Karuma sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ giới thiệu TPCN tiêu u xơ tại nhà vẫn quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội.

Karuma sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ giới thiệu TPCN tiêu u xơ tại nhà vẫn quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội.

Trả lời về việc tại sao các thông tin về TPBVSK Karuma vẫn quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội? ông Trác cho rằng, nhiều sản phẩm TPCN khác khi không còn lưu thông trên thị trường thì thông tin về sản phẩm vẫn tồn tại trên website, MXH…, nhưng người tiêu dùng có gọi điện đặt hàng cũng không mua được.

Thời gian qua, không ít sản phẩm TPCN sau khi bị phản ánh sai phạm quảng cáo “khống” công dụng sản phẩm “lừa” người bệnh, nhưng khi cơ quan chức năng, truyền thông báo chí vào cuộc làm rõ để cảnh báo cho người dùng, thì đa số các đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng, phân phối sản phẩm ra thị trường đều cho rằng “sản phẩm đang bán trên thị trường là hàng giả”, hoặc “không còn sản xuất sản phẩm đó nữa”, từ chối nhận sản phẩm sai phạm... dù trước đó quảng cáo được cơ quan chức năng cấp phép công bố sản phẩm ra thị trường. Do đó, người dùng nên thận trọng trước khi quyết định tin và mua dùng TPCN quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Một hình ảnh quảng cáo TPCN Karuma trên mạng.

Một hình ảnh quảng cáo TPCN Karuma trên mạng.

Quảng cáo “khống” công dụng TPCN gian dối về thương mại

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) từng khẳng định: “Vì tin vào quảng cáo lừa dối dẫn đến người bệnh tin, hi vọng dùng TPCN là khỏi bệnh ung thư, tiêu u nên đã mua về dùng trong thời gian dài thấy không khỏi, ngày càng nặng hơn mới vội tới viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhân đã qua thời điểm vàng điều trị bệnh, dẫn đến khi đó phẫu thuật không được, xạ trị cũng không xong vì đã ở giai đoạn muộn. Tôi cho rằng đó là cái tội của việc quảng cáo TPCN chứ không chỉ gian dối về thương mại”, TS Phong nói.

TPBVSK Karuma bị phản ánh quảng cáo sai phạm gây hiểu nhầm TPCN như thuốc trị bệnh.

TPBVSK Karuma bị phản ánh quảng cáo sai phạm gây hiểu nhầm TPCN như thuốc trị bệnh.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Đỗ Ngọc Oánh, đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng là trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc các văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, người tiêu dùng. Tùy theo tính chất mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự.

Theo quy định, quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không đúng sự thật về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm./.

“Phía sau TPCN luôn có những “phù thuỷ” marketing, tiếp tay cho những công ty sản xuất TPCN siêu lợi nhuận. Người bệnh dùng TPCN ít có công dụng đối với sức khoẻ nhưng phải chi phí cho tác dụng thật của TPCN là không tương xứng, ví như mua vàng tây mà phải trả bằng giá vàng 24K. Nguyên nhân cũng do quảng cáo “mập mờ đánh lận con đen”, khiến người bệnh không phân biệt được đâu là thuốc đâu là TPCN hỗ trợ sức khoẻ ở mức bình thường”.

(BS Nguyễn Duy Thế, cán bộ Khoa Nhiễm Bệnh viện Quân Y 175)

Quỳnh Hương