Khoa học & Công nghệ

Sửa thói xấu để ngủ ngon vào mùa đông

  • Tác giả : Sơn Hà
(khoahocdoisong.vn) - Đóng kín cửa phòng, không đi tất, đắp chăn quá dày, cố ngủ thêm vào buổi sáng…. đều là những thói quen phổ biến của nhiều người  vào mùa đông. Tuy nhiên, những thói quen này khiến bạn không có giấc ngủ ngon.

Tránh gió nhưng phải thoáng

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh), mở cửa sổ phòng ngủ buổi tối đón những cơn gió nhẹ có thể giúp bạn tránh béo phì và bệnh đái tháo đường type 2. GS Grossman, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, cho biết, việc bạn ngủ ngon trong căn phòng với cửa sổ có gió đêm nhẹ nhàng, duy trì nhiệt độ mát mẻ làm tăng hiệu quả phòng bệnh tiểu đường, béo phì.

Nhưng vào mùa đông, trời lạnh, bạn không thể mở cửa để đón gió mát vào phòng, ngược lại bạn cần phải đóng cửa để tránh gió. Tuy nhiên, theo Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, đóng cửa ở đây không có nghĩa là bạn đóng thật kín cửa như cách nhiều người vẫn làm.

Việc bạn đóng chặt cửa khiến cho không khí không được lưu thông gây ngột ngạt, không những vậy, việc không khí không được lưu thông khiến cho môi trường ngủ bị ô nhiễm. Lúc này, lượng khí CO2 và vi khuẩn sẽ tăng lên nhiều. Nếu thời gian lâu mà hít vào loại khống khí như vậy sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây hại sức khỏe.

Tốt nhất, vào mùa đông, bạn không nhất thiết phải mở toang cửa số, thay vào đó, hãy kiểm tra các cửa từ cửa ra vào, đến cửa số và nên đóng chặt những cửa có gió lùa, thậm chí với những cửa gió lùa mạnh, hãy buông rèm để ngăn gió vào phòng từ những khe nhỏ.

Tuy nhiên, với những cửa phòng ít gió hãy mở he hé để không khí được lưu thông và phân bổ đều khắp căn phòng, giúp cho chủ nhân có được giấc ngủ ngon và sâu. Ngoài ra, vào ban ngày, hãy chọn thời điểm ấm áp nhất mở toang cửa để lọc không khí, đưa không khí sạch bên ngoài vào và đẩy không khí ô nhiễm từ bên trong ra.

Chú ý cả màu sắc của chăn, ga, gối

Cũng chính vì sợ lạnh, nhất là ban đêm nhiệt độ thường xuống thấp, nhiều người thường mặc thật nhiều quần áo, thậm chí là mặc cả áo cao cổ, chọn những chiếc chăn vừa nặng vừa dày. BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, nhiều người giữ quan điểm cũ cho rằng chăn bông phải thậy dày, thật nặng mới đủ ấm.

Đó là một lựa chọn sai lầm. Hãy tuân thủ nguyên tắc chăn nhiều lớp, nghĩa là khi lạnh, bạn có thể đắp 2 -3 chiếc chăn mỏng thay vì một chiếc chăn dày. Tốt nhất bạn nên chọn loại chăn nhẹ, có độ dày vừa phải nhưng đảm bảo giữ ấm tốt vào mùa đông. Các chất liệu như bông xơ, bông tự nhiên, tơ tằm, lông vũ,…. vừa mềm, vừa ấm.

Với quần áo cũng vậy, nên chọn những bộ quần áo ấm, nhưng chất liệu thoáng mát, đi ngủ nên đi thêm đôi tất mỏng bởi lòng bàn chân có hai huyệt rất quan trọng là thất miên và dũng tuyền cần được bảo vệ.

Ngoài ra, để đảm bảo giấc ngủ ngon, không chỉ chú ý đến quần áo, chăn ấm, bạn cần chú ý đến ga, gối nhất là màu sắc của chăn, ga, gối. Mùa đông nên chọn màu ấm nóng như đỏ, hồng nguyên sắc, ngoài ra nên tránh màu sắc lòe loẹt, hoa văn rối.

Lương y Nguyễn Văn Sử: Thiết kế phòng ngủ ấm áp nhưng không kín bí; sử dụng quần áo ấm nhưng không nên dày; nếu một chiếc chăn mỏng không đủ ấm, bạn có thể sử dụng thêm một chiếc chăn nữa, tránh dùng chăn quá dày; đặc biệt, hãy duy trì thói quen dậy đúng giờ, đó là cách để bạn có được giấc ngủ ngon vào ban đêm và tinh thần khỏe khoắn vào ban ngày.

Hãy dậy đúng giờ

Vào ngày đông, việc chui ra khỏi chiếc chăn ấm áp vào buổi sáng sớm là điều thật khó. Chính vì vậy, mà nhiều người có thói quen ngủ nướng, ngủ thêm 30 phút- 1 tiếng. Tuy nhiên, cách ngủ này có thể sẽ phá vỡ chu kỳ thức – ngủ bình thường khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và không sẵn sàng cho mọi hoạt động, đặc biệt sẽ khiến bạn nặng đầu, khó tập trung.

Nguyên nhân là do giấc ngủ quá dài khiến bạn tiêu hao hết nhiều khí ô xy, dẫn đến tình trạng não bị thiếu dinh dưỡng tạm thời. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm trí nhớ. Ngủ nướng cũng có thể làm trầm trọng thêm căn bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng ngủ nướng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và có nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh như tim mạch, huyết áp, đau đầu, trầm cảm, đột quỵ,...

Theo các chuyên gia hãy duy trì việc dậy đúng giờ vào buổi sáng. Nếu cảm thấy quá khó khăn trong việc tỉnh dậy khi đang say giấc nồng, có một cách đơn giản là cài đặt chuông báo thức ở điện thoại hoặc đồng hồ và để chúng xa tầm với. Cách này sẽ giúp bạn bắt buộc phải dậy.

Sơn Hà