Giáo dục

Sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều: Không thể sửa vội theo kiểu nhặt mấy hạt sạn

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều không thể làm theo kiểu vội vàng, nhặt mấy hạt “sạn” là xong, mà cần sửa sâu, có trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo điều chỉnh nội dung sách Tiếng Việt lớp 1, Cánh Diều

Trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGDĐT-GDTH ngày 09/10/2020).

Thực hiện yêu cầu này, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.

Theo đó, trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều cho phù hợp hơn.

Một bài tập trong trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều gây nhiều tranh cãi về nội dung chứa đựng mưu mô, thủ đoạn và từ dùng không phù hợp với trẻ nhỏ.

Một bài tập trong trong sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều gây nhiều tranh cãi về nội dung chứa đựng mưu mô, thủ đoạn và từ dùng không phù hợp với trẻ nhỏ.

Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”…

Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.

Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần thay hội đồng thẩm định cũ khi sửa sách giáo khoa

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều, PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, để đảm bảo chất lượng thì không thể sửa vội. Mà phải có một chương trình, kế hoạch, xem cái sai này bắt nguồn từ đâu. Nếu là sai từ tư tưởng, quan niệm, từ đội ngũ… thì phải sửa từ đó. Chứ không thể sửa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều theo kiểu làm cho bớt “sạn”, chắp vá.

Đặc biệt, phải thay hội đồng thẩm định, không nên giữ hội đồng thẩm định cũ để thẩm định bản sửa sách.

Bởi vì, hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về nội dung, nhưng đã bỏ phiếu 15/15 đạt cho sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều thì giờ đây sẽ thẩm định thế nào?

Đó là chưa kể, mới đây, trên diễn đàn trên VOV, ông Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 khẳng định: "Đến thời điểm này chúng tôi vẫn khẳng định, tất cả những bộ SGK tiếng Việt lớp 1, chúng tôi đã thẩm định không có gì sai. Tất cả những gì sai, đã được chỉ ra và giải quyết”.

Ông Chừ cũng cho biết, tất cả những lỗi sai Hội đồng thẩm định đã khuyến cáo, nhưng các nhà biên soạn giữ quan điểm, nên Hội đồng thẩm định cũng tôn trọng. Một cách làm việc theo kiểu nể nang, dễ cho qua và đã để lại hậu quả như vậy rồi thì nên để một hội đồng thẩm định mới làm việc, chứ không nên giữ lại hội đồng thẩm định cũ nữa.

Ông Hảo cho biết, để đảm bảo chất lượng cho SGK Tiếng Việt thì người biên soạn phải rất tinh tường về Tiếng Việt và có sự chuyên tâm, tâm huyết, làm việc có trách nhiệm. Chứ không thể làm việc một cách cẩu thả, "mỏng" về Tiếng Việt được.

Về việc lấy ngữ liệu nước ngoài, cũng có thể lấy, nhưng cần phải cân đối tỷ lệ vừa phải. Kho tàng văn học Việt Nam rất nhiều truyện dân gian, ca dao, tục ngữ hay, chỉ là người biên soạn có chịu khó tìm tòi hay không. Cũng không nên tách các truyện dài ra làm hai bài học. Vì với trẻ nhỏ, học xong bài nào là có bài học của bài đó. Không nên bắt trẻ nhỏ tư duy như người lớn.

“Tôi thấy nhiều ý kiến của dư luận về những lỗi sai của sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều rất xác đáng. Đặc biệt là bài trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông của KH&ĐS về những lỗi sai của sách là rất đầy đủ, chính xác. Tôi cho rằng, Bộ nên tham khảo những ý kiến của các nhà chuyên môn như vậy. Việc sửa sách phải rất cẩn thận, không thể vội vàng. Nên nghĩ tới việc chữa sâu, chữa một lần, chứ không phải sửa đi sửa rồi lại sửa lại. Như vậy, phí công, phí thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đối với việc học tập, giảng dạy”, ông Hảo nói.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ… rất hay, vừa đẹp về ngôn từ vừa đẹp về ý nghĩa nội dung, nên sử dụng chứ không nên đi vay mượn của người khác. Chưa kể khi “phỏng theo”  lại không chính xác, thậm chí có khi còn làm méo mó đi, có thể còn liên quan đến vấn đề bản quyền, pháp luật.

Theo Bộ GD&ĐT, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và Bộ GD&ĐT làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK các lớp học tiếp theo.

Mai Loan