ThS.BS Nguyễn Ngọc Bách, người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội hô hấp đã phân tích và chỉ rõ loại virus thường gây ho ra máu.
Nhiễm virus, gây ra biến chứng tại phổi thì không thể không nói đến Hantavirus – một “tên tuổi” trong thế giới virus, vốn không phải loại dễ đối phó. Đây là một virus có thể gây ra nhiều biến chứng và tình trạng nặng cho người bệnh.
Từ sốt bình thường đến biến chứng ho ra máu
Hantavirus là loại virus không thích kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”. Chúng thường bắt đầu nhẹ nhàng, với biểu hiện như nhiễm virus thông thường gây ra chủ quan cho người bệnh.
Giai đoạn đầu: Sốt cao 39 độ, người mệt lả, đau nhức cơ thể... và thường được chẩn đoán là cúm thông thường, uống paracetamol là xong.
Giai đoạn sau: Vài ngày sau, tình hình bệnh “leo thang” với ho dữ dội, rồi bất ngờ ho ra máu. Có trường hợp còn khó thở, giống như phổi bị “ngập lụt” (đó là Hội chứng phổi – HPS), hoặc bụng đau, tiểu ít, xuất huyết dưới da (đó là HFRS – sốt xuất huyết kèm suy thận).
Điều quan ngại là ban đầu tưởng mình chỉ bị cảm cúm, nhưng lúc nghi ngờ và được chẩn đoán ra nhiễm Hantavirus thì các cơ quan nội tạng đã bị biến chứng và việc điều trị giai đoạn này rất khó khăn.
![]() |
Virus bí ẩn có thể gây ho ra máu cho bệnh nhân đang lây lan ở Nga. Ảnh: Helsinki Times |
Biến chứng khi virus “tàn phá” cơ thể
Nếu không xử lý kịp, hantavirus có thể biến ảnh hưởng cơ quan trọng yếu cơ thể:
HPS (Hội chứng phổi): Phổi bị tổn thương, phù đầy nước, dẫn đến suy hô hấp. Thường đến khi có triệu chứng ho ra máu thì thường mới phát hiện ra mắc bệnh này. Tỷ lệ tử vong lên tới 30-50%.
HFRS (Suy thận): Thận “đình công”, xuất huyết khắp nơi từ mũi, miệng đến dưới da, máu không cầm được. May mắn là tỷ lệ tử vong thấp hơn, khoảng 1-15%.
Biến chứng hiếm: Sốc tim phổi hoặc suy đa cơ quan trước phản ứng miễn dịch quá mạnh.
Nói chung, hantavirus không chỉ gây sốt mà còn “đốt” luôn sức khỏe nếu không phát hiện sớm. Vì vậy đừng chủ quan mà để phát hiện muộn.
![]() |
Con đường lây nhiễm Hantavirus gây tổn thương cơ thể - Ảnh minh họa Internet |
Phát hiện và chẩn đoán sớm: Đừng để virus “qua mặt”
Chẩn đoán hantavirus không dễ như phát hiện. Virus này “lắm chiêu”, triệu chứng ban đầu giống cúm, COVID-19 hay cả viêm phổi thông thường. Nhưng có cách để “lật mặt” nó:
Triệu chứng gợi ý: Sốt cao liên tục, ho ra máu hoặc khó thở mà không rõ lý do, đặc biệt nếu người bệnh sống gần khu vực có chuột (thủ phạm lây virus qua phân, nước tiểu). Ở các báo cáo, các ca bệnh đều có dấu hiệu này.
- Xét nghiệm: PCR tìm ngay RNA của virus trong máu hoặc mô – đây là cách nhanh và chính xác nhất; Xét nghiệm kháng thể (IgM/IgG) nếu cơ thể đã sinh kháng thể chống hantavirus, xét nghiệm huyết thanh sẽ “tố cáo” kẻ thủ ác; Công thức máu: Bạch cầu tăng, tiểu cầu giảm, hoặc creatinine máu cao (dấu hiệu suy thận) cũng là manh mối.
- Hỏi tiền sử: Gần đây có tiếp xúc với chuột, dọn kho cũ, hay đi rừng không? Nếu có, khả năng dính hantavirus tăng vọt.
Tóm lại, đừng để đến lúc ho ra máu mới chạy đi khám. Phát hiện sớm là cách để bạn “nắm thóp” virus trước khi nó “phá làng phá xóm”.
Điều trị: Từ cơ bản đến “vũ khí bí mật”
Hiện tại, hantavirus chưa có thuốc đặc trị chính thức, nên bác sĩ chủ yếu dùng cách điều trị nâng đỡ và hỗ trợ cơ thể:
Chăm sóc hỗ trợ: Máy thở hoặc oxy nếu phổi “ngập nước” (HPS); Lọc máu nếu thận “hỏng hóc” (HFRS); Truyền dịch, thuốc cầm máu để ngăn xuất huyết.
Tiên lượng: Nếu phát hiện sớm, cơ hội sống sót cao hơn nhiều. Nhưng muộn thì… rất khó khăn. Có hai “ứng viên” thuốc kháng virus tiềm năng đáng chú ý:
Ribavirin: “chiến binh kháng virus kỳ cựu” từng được dùng cho HFRS ở Trung Quốc, giảm tử vong nếu dùng sớm (trong 5-7 ngày đầu). Nhưng với HPS, hiệu quả kém, lại dễ gây thiếu máu nhưng nó vẫn là lựa chọn khi chưa có gì tốt hơn.
Favipiravir: Thuốc này vốn nổi tiếng với cúm và COVID-19 (Nga còn dùng nó chống SARS-CoV-2). Với hantavirus, favipiravir “đánh” thẳng vào RNA polymerase, ngăn virus sinh sôi. Nghiên cứu trên chuột cho thấy nó cứu sống 100% nếu dùng sớm, cả HPS lẫn HFRS. Ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn ribavirin, dễ dung nạp nhưng thuốc chưa có thử nghiệm với số lượng lớn.
Sốt cao rồi ho ra máu không phải chuyện đùa và hantavirus có thể gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng cho cơ thể. Phát hiện sớm qua triệu chứng và xét nghiệm, kết hợp điều trị hỗ trợ với các loại thuốc mới là chìa khóa giúp tránh biến chứng, đưa cơ thể sớm phục hồi.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Bách (Nguyên bác sĩ Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City)