Khám phá

Số phận của viên quý tộc phản bội – Kỳ 2: Tiếp tay, chỉ điểm cho giặc

Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang tuy là người chức vị cao nhưng tài trí có phần kém cỏi, không thể so bì với Toa Đô dày dặn trận mạc. Còn Chương Hiến hầu Trần Kiện, con trai của Trần Quốc Khang là người am hiểu binh thư, nhưng tâm địa nhỏ nhen, thiếu chí khí.

Đoàn thuyền chiến của Toa Đô tiến vào Nghệ An (hình minh họa).

Bất mãn với triều đình
Chương Hiến hầu Trần Kiện trước vì hiềm khích riêng, không chịu theo lệnh vua triệu tập vương triều để phân công nhiệm vụ chống giặc. Trần Kiện còn ở ẩn tại làng Nhân Mục, nói rằng học đạo Lão Trang.

Vua Trần thấy Toa Đô từ Thuận Hóa đánh ra, sai Trần Kiện vào nam là muốn Trần Kiện cùng cha mình chia sẻ khó khăn trong việc chặn giặc. Thế nhưng Kiện vốn đã có ý bất mãn triều đình, hầu như án binh bất động, chẳng giúp tình thế quân Đại Việt khá hơn. Do đó Toa Đô thuận đà tiến ra, thế như chẻ tre.

Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang cho đại quân dần lui về giữ lộ Thanh Hóa, bao gồm các châu Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vừa rút lui từ Tuyên Quang về đến Thiên Trường không lâu đã được lệnh lên đường vào phối hợp. Chiêu Văn vương tuy có tài trí, nhưng bản thân chỉ có ít quân quyền nên cũng không có nhiều đất dụng võ.

Toa Đô kéo ra Nghệ An, gặp quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và tướng Trịnh Đình Toản chặn lại ở cửa quan Nghĩa An. Hai bên giao chiến một trận, nhưng lúc này Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang và Chương Hiến hầu Trần Kiện đều không đem quân đến cứu kịp thời, khiến Chiêu Văn vương gặp bất lợi buộc phải lui quân.

Nhận thấy sự kém cỏi về năng lực của Trần Quốc Khang, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải xin vua cho Thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải vào thay thế vị trí tổng chỉ huy lực lượng này.

Việc cử vị Thượng thướng Thái sư vào tăng cường cho mặt trận phía nam đủ cho thấy tầm quan trọng của chiến trường này trong sự nhìn nhận của triều đình nhà Trần.

Đầu hàng, cộng tác với giặc

Trần Quang Khải chưa vào đến nơi thì đã có tin dữ. Do binh lực tại chỗ không đủ, lại không có viện binh, không rõ tin tức của vua tôi nhà Trần, sợ hãi trước sức mạnh của quân Nguyên – Mông và không tán đồng sách lược của nhà Trần, Trần Kiện dao động bàn với Lê Tắc rằng: Thế tử bị Thiên tử chỉ triệu, chẳng chịu vào chầu, đến đỗi gây việc binh đao, nguy cơ sắp đến, thế mà còn chấp mê, chẳng tỉnh ngộ, nỡ để cho nhà tan nước mất hay sao?

Thế là trong lúc quân dân Thanh Hóa đồng lòng diệt giặc thì Chương Hiến hầu Trần Kiện manh tâm phản quốc, đem bọn Lê Tắc cùng hàng vạn quân bản bộ cùng binh khí và gia quyến đầu hàng và cộng tác đắc lực với kẻ xâm lược; dẫn đường cho giặc đánh vào Thanh Hóa. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với quân Đại Việt.

Trần Kiện nhiều lần chỉ điểm cho Toa Đô, khiến quân Đại Việt luôn bị gặp khó khăn và tổn thất. Thoát Hoan khen ngợi sự hàng phục của Kiện và ban thưởng xiêm áo, yên cương.

Quân Nguyên tiến đến địa phận hương Yên Duyên (Thanh Hóa ngày nay), gặp phải Đại toát Lê Mạnh dẫn binh lính và dân quân kiên cường chống trả, đẩy lui được tiên phong địch. Lê Mạnh dẫn quân truy kích giặc đến tận bến Cổ Bút.

Ngay sau đó, với quân lực đông đảo hơn nhiều lần, Toa Đô liền tổ chức một cuộc tấn công mới, với sự tiếp tay chỉ điểm của Trần Kiện khiến cho Lê Mạnh phải rút lui.

Quân Nguyên đốt phá tan tác hương Yên Duyên để trả thù. Tinh thần chiến đấu ngoan cường dù không cân sức của quân dân Yên Duyên hoàn toàn đối lập với sự hèn nhát, bất nghĩa của tên quý tộc Trần Kiện.

(còn nữa)

Nguyễn Bảo Nam