Khám phá

Cuộc đua “trí tuệ nhân tạo” của các ông lớn smartphone

  • Tác giả : Nguyên Khoa
Một xu hướng tất yếu trong phát triển smartphone đã được Samsung khởi xướng trong năm 2024 chắc chắn sẽ là trọng tâm của năm 2025 và kéo dài nhiều năm nữa. Mọi hãng sản xuất đều đầu tư mạnh mẽ vào AI trên hệ sinh thái smartphone của mình.

AI trên smartphone hiện nay đã vượt xa khỏi giới hạn của các trợ lý ảo hay chatbot như Siri hay Google Assistant. Hầu hết các hãng điện thoại thông minh lớn đang đầu tư vào AI để cải thiện khả năng xử lý hình ảnh, tối ưu hiệu suất, quản lý pin, bảo mật và hỗ trợ người dùng thao tác các tính năng theo cách thông minh, thuận tiện hơn.

Samsung Galaxy AI - Tiên phong, đa dạng

Samsung đã tiên phong trong việc tích hợp AI trên điện thoại Galaxy với các tính năng vượt trội, đặc biệt trong xử lý ảnh. Galaxy AI sử dụng mô hình học sâu để nhận diện cảnh vật, tối ưu màu sắc và ánh sáng trong các bức ảnh, giúp cho ảnh chụp từ Galaxy có độ sắc nét và màu sắc trung thực hơn. Samsung cũng đầu tư mạnh vào tối ưu hóa hiệu suất thông qua AI để quản lý pin và điều chỉnh hiệu suất hệ thống theo thói quen người dùng.

Ưu điểm: Tích hợp AI đa dạng, từ camera đến tối ưu hiệu suất. Trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa, quản lý pin và tăng cường bảo mật.

Nhược điểm: Yêu cầu phần cứng mạnh, đặc biệt là các dòng cao cấp, hạn chế tiếp cận đến người dùng dòng sản phẩm phổ thông.

Phản hồi người dùng: Theo khảo sát từ Samsung, các tính năng AI trên dòng Galaxy được người dùng đánh giá cao về hiệu quả xử lý hình ảnh và tính năng bảo mật. Người dùng cũng ưa thích khả năng tối ưu hệ thống để tiết kiệm pin và duy trì hiệu suất.

Apple - Sự thận trọng và mức độ tích hợp

Apple Intelligence Apple vốn dĩ đi sau trong việc tích hợp AI vào tính năng ngoài Siri, nhưng Apple Intelligence được xem là một bước tiến lớn. Với hệ điều hành iOS 15 trở đi, Apple đã cho ra mắt nhiều tính năng AI như gợi ý ứng dụng thông minh, khả năng nhận diện ký tự trên hình ảnh và các cải tiến cho camera.

Apple cũng đặt trọng tâm vào quyền riêng tư và bảo mật, với các thuật toán học máy chạy trực tiếp trên thiết bị (on-device machine learning) thay vì trên máy chủ. Tuy nhiên, việc thận trọng quá mức có thể là lá bài mà Apple sử dụng để lý giải cho sự chậm chạp của mình. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại, với bản cập nhật iOS 18.1, Apple vẫn dậm chân với bản beta của Apple Intelligence bằng một số ít ngôn ngữ giới hạn.

Ưu điểm: Bảo mật và quyền riêng tư cao nhờ on-device machine learning. Khả năng tối ưu hóa trải nghiệm người dùng nhờ vào hệ sinh thái iOS đồng bộ.

Nhược điểm: Tích hợp AI bị đánh giá là chậm so với các hãng khác, các tính năng AI ngoài Siri chỉ mới thực sự phát triển gần đây. Ít linh hoạt trong việc tối ưu hiệu suất so với Android.

Phản hồi người dùng: Theo số liệu từ các khảo sát thị trường, người dùng Apple đánh giá cao sự an toàn của Apple Intelligence, nhưng vẫn mong muốn các tính năng AI trên iPhone sẽ đa dạng và nhạy bén hơn, đặc biệt là trong xử lý ảnh và tối ưu hóa hệ thống.

Huawei và các hãng Trung Quốc – Hệ sinh thái AI riêng biệt

Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo và OnePlus là những đại diện nổi bật của các hãng điện thoại Trung Quốc đang phát triển hệ sinh thái AI độc lập, không phụ thuộc vào Google AI hay các dịch vụ phương Tây.

Huawei là một ví dụ điển hình với Huawei AI tích hợp vào hệ điều hành HarmonyOS, giúp tăng cường các tính năng AI cho camera, bảo mật và quản lý hiệu suất. Hệ sinh thái này cho phép Huawei sử dụng các mô hình học máy để nhận diện vật thể, tối ưu hóa các cảnh chụp ảnh và điều chỉnh trải nghiệm người dùng theo thói quen sử dụng.

Xiaomi, Oppo và Vivo cũng đã phát triển các nền tảng AI riêng nhằm tập trung vào trải nghiệm hình ảnh và bảo mật. Các công nghệ này giúp tối ưu hóa camera AI để nhận diện cảnh chụp, hỗ trợ chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu và cải thiện tính năng làm đẹp thông minh.

AI trở thành một xu hướng tất yếu trong việc phát triển smartphone

AI trở thành một xu hướng tất yếu trong việc phát triển smartphone

Ưu điểm: Hệ sinh thái AI đa dạng, cho phép tích hợp các tính năng nâng cao mà không phụ thuộc vào dịch vụ Google. Các tính năng AI trên camera, quản lý pin và hiệu suất giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đặc biệt ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Nhược điểm: Do các lệnh cấm vận từ Mỹ, Huawei gặp hạn chế trong việc sử dụng công nghệ và phần cứng từ nước ngoài, khiến một số tính năng AI bị giới hạn so với các đối thủ. Người dùng quốc tế có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng hệ sinh thái AI của các hãng Trung Quốc do không tương thích hoàn toàn với các ứng dụng phương Tây.

Phản hồi người dùng: Người dùng tại Trung Quốc đánh giá rất cao tính năng AI của các hãng nội địa vì chúng hỗ trợ tối đa trong việc chụp ảnh và tối ưu hệ thống. Tuy nhiên, một số người dùng quốc tế vẫn gặp khó khăn khi chuyển từ hệ sinh thái Google sang các hệ sinh thái riêng của các hãng Trung Quốc.

Trải nghiệm của người dùng

Theo các báo cáo khảo sát của Counterpoint Research, Statista và International Data Corporation, phản hồi của người dùng về tính năng AI tập trung chủ yếu vào: Camera AI: Các hãng Trung Quốc như Huawei và Xiaomi thường được đánh giá cao nhờ khả năng xử lý hình ảnh linh hoạt và thông minh, đặc biệt là trong các tình huống thiếu sáng.

Samsung cũng là một lựa chọn phổ biến cho người dùng thích chụp ảnh nhờ vào Galaxy AI. Tối ưu hóa hệ thống và quản lý pin: Samsung và Huawei là hai hãng đi đầu trong việc áp dụng AI để duy trì hiệu suất và kéo dài thời lượng pin.

Báo cáo của Gartner thường nhấn mạnh đến hiệu suất AI và mức độ đáp ứng của các công nghệ AI trên điện thoại thông minh theo đánh giá của người dùng iPhone vẫn thường phản ánh rằng Apple cần cải thiện thêm về khả năng tối ưu này.

Ngược lại, người dùng cho rằng Apple dẫn đầu về mức độ bảo mật và quyền riêng tư, điều này rất quan trọng đối với người dùng quan tâm đến dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, báo cáo của Gartner cũng cho thấy, họ chưa có nhiều sự trải nghiệm về bảo mật AI của Apple do... chưa được trải nghiệm.

Mỗi hãng có một chiến lược biệt trong tích hợp trí tuệ nhân tạo và nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng.

Mỗi hãng có một chiến lược biệt trong tích hợp trí tuệ nhân tạo và nhận được những phản hồi tích cực từ người dùng.

Các hãng Trung Quốc cũng tìm cách cải thiện trong mảng này, nhưng vẫn cần thời gian để đạt được mức độ tin cậy vì luôn có một tâm lý lo ngại của người dùng, nhất là thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Về số liệu thống kê, Samsung chiếm phần lớn thị phần ở phân khúc cao cấp, nhờ vào AI đa dạng và hệ sinh thái Galaxy mạnh mẽ.

Apple duy trì thị phần lớn nhờ tính bảo mật và trải nghiệm người dùng mượt mà, dù AI tích hợp chưa thực sự phong phú.

Xu hướng tương lai của AI trên smartphone

Trong tương lai, AI trên smartphone sẽ trở nên ngày càng cá nhân hóa và tiên tiến. Các hãng điện thoại sẽ tiếp tục cải tiến để AI hiểu rõ hơn thói quen người dùng và cung cấp những tính năng thông minh hơn.

GSMA Intelligence, bộ phận phân tích dữ liệu của GSMA, tổ chức đại diện cho các nhà mạng di động cũng có những khảo sát và dự đoán của riêng mình. Qua nhiều khảo sát liên quan đến trải nghiệm người dùng về AI và các tính năng thông minh trên điện thoại, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, GSMA Intelligence cho rằng, tại các thị trường mới nổi, người dùng thường có sự hào hứng đặc biệt với những tính năng AI được cập nhật. Những bài viết đánh giá từ các trang review như TechRadar, Android Authority và Tom’s Guide được họ chia sẻ, tự trải nghiệm và có phản hồi rất tích cực.

Các báo cáo phản hồi cho thấy, 5 xu hướng quan trọng được người dùng yêu thích lần lượt bao gồm theo thứ tự là:

- AI camera siêu phân giải: Cải thiện chất lượng ảnh chụp ở mọi điều kiện ánh sáng và môi trường.

- Chỉnh sửa ảnh AI, bao gồm cả các tính năng như xóa vật thể, mở rộng bối cảnh hoặc xây dựng chân dung...

- Các tính năng ngôn ngữ, bao gồm soạn thảo, dịch thuật, tóm tắt nội dung và điều khiển các thao tác bằng khẩu lệnh.

- Tối ưu hóa thời gian thực: AI giúp điện thoại có thể điều chỉnh hiệu suất, bảo mật và tiêu thụ năng lượng theo thời gian thực.

- Học máy on-device: Tăng cường bảo mật dữ liệu và hiệu quả xử lý trực tiếp trên thiết bị.

Tóm lại, AI trên điện thoại thông minh hiện đã trở thành yếu tố quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh giữa các hãng.

Mức đầu tư cho AI trong điện thoại di động liên tục tăng, đặc biệt từ các hãng như Samsung, Apple và các công ty Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, và Vivo. Các công ty này đổ hàng tỷ đô la vào việc phát triển các thuật toán học máy (machine learning) và học sâu (deep learning), cũng như xây dựng hệ sinh thái AI để tích hợp vào phần cứng và phần mềm.

Nguyên Khoa