Dữ liệu y khoa

Sạn mật, sạn gan nên dùng râu ngô

  • Tác giả : Lương y Nguyễn Văn Phúc
(khoahocdoisong.vn) - Râu ngô nằm phía trong, dọc thân bắp ngô có màu tươi sáng, loại râu khô phía ngoài có màu khô đen thường dính bụi bẩn không dùng. Râu ngô có vị ngọt nhạt, tính mát, vào kinh bàng quang có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng, thông lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng. Chủ trị các chứng tiểu gắt, tiểu buốt, bí tiểu do sạn thận, các chứng hoàng đản vàng da do ứ mật, chân tay sưng phù, huyết áp cao.

Râu ngô chứa chất béo, tinh dầu, chất keo, chất nhựa, glucoside đắng, saponin, cryptoxanthin, vitamine C, K, sitosterol, stigmasterol, axit hữu cơ, anthocyan. Người ta thường dùng râu ngô để chữa đi tiểu buốt rắt, chữa sỏi tiết niệu, phù thũng…

Chữa tiểu rắt tiểu buốt, bí tiểu, tiểu ra máu, viêm tiết niệu: Râu ngô 20g, mã đề 20g, rễ tranh 20g sắc uống như trà.

- Chữa sạn gan, sạn mật, sỏi tiết niệu: Râu ngô 30g, kim tiền thảo 30g, nhân trần 14g, quả dứa dại 30g sắc uống nhiều ngày.

- Chữa phù thũng, áp huyết cao, ứ mật vàng da, sỏi mật: Râu ngô khô 30g nấu nước uống như trà nhiều ngày.

- Chữa người huyết áp cao, phù thũng: Râu ngô tươi 100g (khô bằng 1/3) sắc nước uống ngày vài lần.

- Chữa viêm túi mật: Ngô non 100g (để cả bẹ và râu), nhân trần 30g, cam thảo 6g sắc uống nhiều ngày.

- Chữa phù thũng, viêm thận cấp, đái đỏ hay viêm gan, tắc mật: Uống nước râu ngô đặc hoặc nước sắc ruột thân ngô hàng ngày thường xuyên.

Râu ngô chứa nhiều sitosterol, stigmasterol, saponin, Ca, vitamin C nên có thể phối hợp để làm thuốc cầm máu. Ngoài ra, râu ngô chữa những bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận, viêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại bài tiết mật. Thường xuyên dùng nước luộc râu ngô trong thời gian dài cho người bị bệnh sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, carbonat. Nước hãm râu ngô còn có tác dụng cầm máu trong trường hợp xuất huyết tử cung.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

Lương y Nguyễn Văn Phúc