Y học và đời sống

Nước râu ngô giúp giảm cholesterol

Trước nay nhiều người uống nước râu ngô, nhất là mùa hè vì khả năng giúp hạ nhiệt, làm mát cơ thể, lợi tiểu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, râu ngô còn có tác dụng giảm cholesterol, mỡ máu, giúp tránh các bệnh mạch vành, huyết áp cao.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/rau-ngo-mau-2-300x200.jpg

Râu ngô nhiều công dụng.

Râu ngô còn được gọi là ngọc mễ tu, từ xưa đến nay được dùng làm nguyên liệu nấu nước uống mùa hè với tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát. Khi kết hợp râu ngô và mã đề, rau má sẽ tăng tác dụng lên nhiều lần. Do đó, những người bị rôm sảy, nổi mề đay… thường uống này giúp làm mát, đẹp da.

Ngoài ra, râu ngô còn có tác dụng lợi tiểu từ đó giúp thận giải độc, kiện tỳ, lợi mật. Một số trường hợp cần lợi tiểu, râu ngô sẽ được ứng dụng như bí tiểu, đái ra máu, viêm bàng quang, phù nề, viêm đường tiết niệu do vi khuẩn… Râu ngô cũng có nhiều vitamin như K, A, B1, B5, C… cùng dầu béo, tinh dầu, các chất vi lượng như kali, canxi nên được xem là nước uống dinh dưỡng.

Thêm vào đó, râu ngô còn chứa chất phytosterol. Phytosterol là một hormon thực vật có trong nhiều loại khác như quả hạch, hạt đậu, cám gạo, mầm lúa mỳ, ôliu, dừa và dầu thực vật…

Dù có liên quan đến cholesterol nhưng phytosterol trong râu ngô có khả năng ngăn chặn sự hấp thu cholesterol và giúp phòng ngừa sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch, ngăn ngừa cũng như giảm bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ và bệnh cao huyết áp.

Dựa trên tác dụng này nên có nhiều nghiên cứu và ứng dụng đã chiết xuất chất Phytosterol trong râu ngô để chữa bệnh. Nhưng với người dân, có thể uống nước râu ngô hàng ngày để phòng bệnh.

Có hai cách để tạo nên nước râu ngô đặc. Một là dùng nhiều râu ngô và ít nước, hai là nấu nước râu ngô cho đến khi đặc với nhiệt độ dưới 1000C.

Chúng ta nên nấu nhiều râu ngô và ít nước hơn là nấu lâu, bởi nhiệt độ cao sẽ phá hủy nhiều vitamin, khoáng chất có trong râu ngô. Có thể uống nước râu ngô thay nước hằng ngày, hạn chế buổi tối để không đi vệ sinh nhiều lần, gây mất ngủ.

Lương y Chu Văn Tiến

(Hội Đông y Vĩnh Tường, Vĩnh phúc)