Dinh dưỡng

Sai lầm khi uống rượu khiến nhanh say, có thể đe dọa đến tính mạng

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Uống rượu khi đói bụng, ăn bún, cà rốt, uống trà hay tắm sau khi nhậu... đều sẽ gây hại cho cơ thể, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Sai lầm khi uống rượu khiến nhanh say, có thể đe dọa đến tính mạng ảnh 1

Sai lầm khi uống rượu khiến nhanh say, có thể đe dọa đến tính mạng

Pha rượu với nước ngọt, cafe

Uống rượu pha mà không biết rõ nguồn gốc, pha theo cảm tính và thiếu công thức, tỷ lệ chính là nguy cơ cao gây ngộ độc. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, trong trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến rối loạn tri giác, mất ý thức, hôn mê, thậm chí tử vong.

Khi tiêu thụ rượu pha, cơ thể có thể trải qua tình trạng hưng phấn nhưng đồng thời cũng gây mệt mỏi và uể oải khi thức dậy. Lạm dụng rượu pha có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe, tình trạng trầm cảm, thậm chí là nghiện rượu. Sử dụng nước ngọt có ga hoặc soda chứa nhiều CO2 có thể làm tăng tốc quá trình hấp thụ cồn, gây ra các triệu chứng như đau đầu và chóng mặt.

Người có hệ thống miễn dịch suy giảm hoặc mắc các bệnh mãn tính như bệnh gan, thận, dạ dày, đại tràng, ung thư nên tránh tiêu thụ hoặc lạm dụng rượu.

Để tạo hương vị và giảm độ mạnh của rượu, bạn có thể kết hợp rượu với các loại hoa quả tươi như mận, táo, nho. Tránh phối rượu với nước ngọt, bia, cà phê, và hoa quả công nghiệp chứa nhiều phẩm màu.

Uống thêm rượu để nhanh tỉnh rượu

Nhiều người thường lầm tưởng rằng uống thêm rượu có thể giúp nhanh tỉnh rượu. Nhưng thực tế điều này không chỉ không giúp cơ thể nhanh tỉnh rượu mà còn có thể làm tăng tình trạng mệt mỏi và kiệt sức. Hành động này không thể chứng minh rằng bạn có tửu lượng cao mà chỉ mang lại nguy cơ gây hại cho cơ thể, gây ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng hôn mê và tử vong.

Sau khi uống rượu, có thể ăn một ít bánh mì nướng hoặc bánh quy giòn, kèm theo nước sốt táo để cung cấp năng lượng, ăn thêm các loại trái cây như xoài, nho, cam, lê, hoặc chuối hoặc uống nước gừng, nước dừa, nước dưa hấu,.. để khôi phục lượng nước cho cơ thể sau khi tiêu thụ nhiều rượu. Ngoài ra có thể ăn một chút cháo loãng để nạp thêm năng lượng.

Cách hiệu quả nhất để giảm sự mệt mỏi là đi ngủ để cơ thể có thời gian tái tạo và hồi phục.

Điều quan trọng nhất là phải biết khả năng của bản thân và giới hạn của cơ thể khi uống rượu để tránh gây hại cho sức khỏe.

Uống bia an toàn hơn rượu

Bia hay rượu đều là cồn, nguy cơ gây hại sức khỏe. Thực tế, rượu mạnh có nồng độ cồn cao hơn. Tức là cùng thể tích 100 ml, thì 100 ml rượu mạnh sẽ có hại hơn so với 100 ml bia. Tuy nhiên, tác hại của rượu bia không chỉ phụ thuộc vào loại đồ uống mà vào lượng cồn, cách thức, tần suất và cơ địa mỗi người. Lạm dụng bia gây hại sức khỏe không kém rượu.

Tắm sau khi uống rượu

Tắm ngay sau khi uống rượu bia sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và dễ làm tổn thương chức năng đường tiêu hóa. Lý do vì lượng glucose dự trữ trong cơ thể sẽ tiêu hao nhiều do quá trình tuần hoàn máu khi tắm, dẫn đến cơ thể giảm nhiệt nhanh chóng. Đồng thời, rượu bia ức chế hoạt động sinh lý bình thường của gan, cản trở quá trình phục hồi dự trữ glucose trong cơ thể, dễ dẫn đến sốc, thậm chí gây tử vong trong trường hợp nặng.

Uống khi đói bụng

Một nghiên cứu mới dựa trên khảo sát và theo dõi 2.600 người trưởng thành cho thấy, uống rượu khi bụng đói sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Cụ thể, những người thường uống rượu khi đói có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao gấp 1,5 lần so với những người ăn lót dạ rồi mới uống.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống nhiều rượu với bệnh cao huyết áp, nhưng nghiên cứu mới này còn tiến xa hơn một bước nữa. Những người uống một lượng nhỏ mà không ăn kèm sẽ dễ bị cao huyết áp hơn, kể cả uống ít. Nam giới và phụ nữ đều có kết quả tương tự, bất kể loại rượu nào.

Ăn mì, bún

Ăn mì, bún khi uống rượu là lựa chọn của nhiều người, nhưng thực chất không tốt cho dạ dày, nhất là vào mùa đông. Quá trình làm bún trải qua nhiều công đoạn và cần thêm một số phụ gia thực phẩm, ví như phèn chua. Loại này sẽ làm máu chảy chậm, lâu ngày lưu trong máu gây hại cho cơ thể. Khi kết hợp phèn chua với rượu có thể kích thích gan, tăng gánh nặng cho gan trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, từ đó gây ra bệnh tật.

Ăn cà rốt

Cà rốt có nhiều caroten, nếu kết hợp với rượu có thể xảy ra phản ứng hóa học gây độc cho gan. Vì vậy, mọi người nên cố gắng tránh ăn cà rốt và rượu cùng nhau.

Giang Thu (T/H)