Cua đồng là món ăn giải nhiệt mùa hè rất tốt. Vào ngày hè nóng bức, phần lớn các bữa ăn gia đình Việt không thể thiếu món canh cua nấu mồng tơi, canh cua nấu rau tập tàng, canh cua nấu hoa thiên lý ăn cùng với cà muối.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Cua đồng giàu canxi, chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Cứ trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protit; 3,3% lipit; 5.040mg% canxi; 430mg% phốt pho... Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng như vậy nhưng nếu ăn sai cách, cua đồng có thể biến thành thứ nguy hiểm gây hại đến tính mạng.
Ăn cua đồng chưa nấu chín kỹ
Đây là sai lầm phổ biến và nguy hiểm nhất. Cua đồng sống trong bùn, nước đọng nên dễ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng như sán lá phổi. Nếu ăn cua tái, sống (giã sống, ngâm rượu...), người ăn có thể mắc bệnh đường ruột hoặc nhiễm ký sinh trùng gây viêm phổi, tổn thương gan, thậm chí tử vong trong trường hợp nặng.
Không làm sạch kỹ cua trước khi nấu
Một số người chỉ rửa sơ hoặc không loại bỏ yếm, mang, ruột cua – những bộ phận chứa nhiều chất bẩn và vi khuẩn. Điều này làm tăng nguy cơ ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy. Khi chế biến, cần rửa cua nhiều lần, bỏ yếm, mai cua trước khi xay hoặc giã.
Nấu canh từ cua chết
Rất nhiều bà nội trợ thường mua cua xay sẵn ở ngoài chợ về lọc rồi nấu. Tuy nhiên, cách làm này lại chứa nhiều hiểm họa khôn lường mà nhiều người không ngờ tới. Bởi vì khi làm cua, nhiều người bán hàng đã tiếc rẻ nên không loại bỏ những con cua chết.
Trong cua chết có chứa thành phần hóa học mang tên histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Cua càng chết lâu lượng histidine càng nhiều, dễ gây ngộ độc hơn.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Ăn cua đồng và uống nước trà
Trong và sau khi ăn cua khoảng một giờ không nên uống trà vì nước trà có thể làm loãng axit trong dạ dày. Khi vào cơ thể trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí gây đau bụng đi ngoài.
Ăn cua đồng và quả hồng
Quả hồng và canh cua không nên ăn cùng nhau, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm đối với sức khỏe.
Nấu đi nấu lại nhiều lần
Các bà nội trợ cần lưu ý, khi chế biến cua đồng, nên chế biến đến đâu sử dụng hết đến đó, bởi thịt cua có chứa rất nhiều chất đạm cũng như chất dinh dưỡng khác, sau khi tiếp xúc với môi trường sẽ dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu… Trong tiết trời hè hay đang chuyển mùa, việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể khiến thịt cua bị biến chất, gây độc.