Dinh dưỡng

Mận vào mùa, ai nên hạn chế ăn để tránh rước họa vào thân?

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Mận vào mùa, vị chua ngọt hấp dẫn khiến nhiều người khó cưỡng. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong những nhóm sau, bạn nên cân nhắc trước khi ăn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mận là loại trái cây phổ biến vào mùa hè, không chỉ có hương vị đặc trưng mà còn được nhiều người yêu thích nhờ công dụng giải nhiệt, bổ sung vitamin C và chất xơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, không phải ai cũng phù hợp để ăn nhiều mận. Nếu sử dụng không đúng cách, loại quả này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dưới đây là những nhóm người được khuyến cáo nên hạn chế hoặc tránh ăn mận:

Người mắc bệnh dạ dày

Mận có vị chua do chứa nhiều axit hữu cơ như axit citric. Những người bị viêm loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày-thực quản khi ăn nhiều mận có thể gặp phải tình trạng đau bụng, ợ chua, hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày.

Người bị tiểu đường

Dù không ngọt gắt, nhưng mận vẫn chứa lượng đường tự nhiên đáng kể. Ăn quá nhiều có thể khiến đường huyết tăng nhanh, ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh.

Người có hệ tiêu hóa yếu hoặc hay bị tiêu chảy

Mận có tính nhuận tràng, nếu ăn nhiều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhất là tiêu chảy.

Phụ nữ mang thai

Bà bầu ăn quá nhiều mận dễ gặp tình trạng nóng trong, nổi mụn, táo bón hoặc ảnh hưởng tiêu hóa. Nếu muốn ăn, nên chọn mận chín, ăn với lượng vừa phải và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người dễ bị nóng trong, nổi mụn hoặc viêm da

Tính nóng của mận có thể khiến các triệu chứng mẩn ngứa, mụn nhọt bùng phát. Người có cơ địa này nên hạn chế ăn hoặc kết hợp với thực phẩm mát, uống nhiều nước.

Ăn mận sao cho đúng?

Để tận dụng lợi ích dinh dưỡng từ mận mà không gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng nên ăn mận một cách điều độ và đúng cách. Mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 5–7 quả, tránh ăn quá nhiều vì có thể gây nóng trong, nổi mụn hoặc rối loạn tiêu hóa. Tuyệt đối không ăn mận khi đói bởi lượng axit trong mận có thể gây cồn cào, đau dạ dày.

Trước khi ăn, cần rửa sạch và ngâm nước muối loãng để loại bỏ hóa chất và vi khuẩn. Không nên ăn mận kèm muối ớt quá cay hoặc mặn, vì dễ gây kích ứng dạ dày. Khi ăn, nên uống nhiều nước để trung hòa tính nóng và hỗ trợ thải độc.

Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như tiểu đường, viêm loét dạ dày hoặc phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại trái cây này.

Mận là món quà của mùa hè, nhưng hãy tiêu dùng một cách thông minh để không biến trái cây bổ dưỡng thành “thủ phạm” gây bệnh cho chính bạn.

Giang Thu (Tổng hợp)