Bình luận

Rà soát sẽ ra nhiều “cán bộ bằng rởm”!

ng Lê Như Tiến cho rằng, nhân vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh, cần rà soát việc sử dụng bằng cấp của tất cả các cán bộ công chức, đặc biệt là những người nằm trong diện nghi vấn. Khi đó, chắc chắn sẽ lộ ra nhiều “cán bộ bằng rởm”.

Vài cuộc điện thoại có bằng tiến sỹ

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến vấn đề bằng cấp của cán bộ. Mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định”; hoặc Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đang bị tố cáo dùng bằng thạc sĩ, cấp 3 giả. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.

Thời gian qua có tình trạng các cán bộ dùng bằng giả, mua bằng hoặc bằng cấp thật nhưng chất lượng giả, kiến thức giả được đào tạo từ xa một cách nhanh chóng chỉ bằng vài cuộc điện thoại mà không cần học, họ chỉ thu tiền và cấp bằng. Đáng nói, bằng cấp của các trường này không được công nhận tại Việt Nam và tại chính quốc gia đó. Đã đến lúc phải rà soát lại bằng cấp của tất cả các cán bộ.

Những cán bộ có bằng do nước ngoài cấp?

Cần rà soát lại tất cả các loại bằng cấp. Nhiều bằng do các trường trong nước cấp cũng không đảm bảo bởi tình trạng bằng thật nhưng kiến thức dởm. Có những người không đi học, mua điểm, thuê người học, nhờ người thi. Thế là bằng thật, nhưng kiến thức rởm.

Còn có người thì mua bằng từ các nhóm tội phạm làm giả con dấu, làm giả bằng. Giống như vừa rồi Ủy ban Tư pháp có kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ rà soát lại tất cả việc đề bạt, bổ nhiệm thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Xuân Anh nhận bằng tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) – một trường chỉ chuyên đào tạo và cấp bằng cho các chương trình đào tạo online – vào thời điểm tháng 12/2006. Bằng tiến sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh của ông Nguyễn Xuân Anh là một trong ba chuyên ngành trường này đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ở thời điểm đó, trường này chưa nhận được bất cứ một chứng nhận kiểm định chất lượng nào, dù đã được cấp giấy phép từ năm 1978. Trong khi đó, các chứng nhận kiểm định chất lượng do các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá và công nhận chính là tiêu chí quan trọng đầu tiên, để xác định chất lượng bằng cấp, chương trình đào tạo của một trường đại học tại Hoa Kỳ.

Theo nhận định của cá nhân ông thì kết quả cuộc rà soát sẽ thế nào?

Tôi được biết là có nhiều cán bộ ở một số sở, ban, ngành, ở cả trung ương và địa phương không học gì cả, chỉ ghi danh thôi. Thi thoảng trả lời thư điện tử, thậm chí nhờ cả người trả lời thư điện tử vài lần. Vài năm thì được nhận bằng tiến sỹ ở nước ngoài.

Nhiều trường đại học ở nước ngoài cấp bằng như vậy, chỉ cần nộp đầy đủ học phí vào tài khoản của trường là được cấp bằng. Kể cả ở Mỹ cũng có những trường như thế.

Nói như ông thì tình trạng bằng do nước ngoài cấp không được thừa nhận ở Việt Nam là cũng nhiều?

Rất nhiều chứ, trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh chỉ là một ví dụ điển hình. Trường đó chưa có sự hợp tác ký kết, công nhận với Bộ GD&ĐT của Việt Nam. Chỉ cần rà soát các trường này là sẽ ra vấn đề. Bộ GD&ĐT cũng từng ra nhiều thông báo về việc bằng cấp do một số trường ở nước ngoài cấp không tương thích với bằng trong nước nên không được công nhận. Những trường này chỉ cần học vài tháng là có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ.

Rà soát các đối tượng khả nghi

Rà soát bằng cấp của hàng triệu cán bộ, xem ra là việc làm không dễ?

Ta không có điều kiện để rà soát lại tất cả mà cần phải có lộ trình. Trước mắt tập trung ưu tiên để rà soát các đối tượng có dấu hiệu dùng bằng giả, hoặc dùng bằng thật nhưng kiến thức giả.

Làm sao để ta nhận diện được những người ấy?

Qua nhiều kênh khác nhau để biết, ví dụ như từ dư luận, từ phản ánh của cán bộ công chức nơi làm việc, người dân nơi cư trú, các phương tiện truyền thông hoặc các tổ chức phát hiện ra. Tập trung rà soát các đối tượng này là sẽ ra nhiều bằng rởm.

Đối với những người có bằng thật, nhưng kiến thức là giả, thì làm sao có thể rà soát kiến thức của họ?

Nếu chúng ta muốn làm thì sẽ làm được chứ. Về trường cấp bằng đó kiểm tra các bài thi xem thế nào, quá trình học tập ra sao, các trường đều lưu lại cơ mà. Sẽ mất thời gian, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Chỉ sợ là không muốn làm thôi.

 Trọng bằng cấp khó chọn người tài

Có một thực tế trong công tác tuyển dụng hiện nay là bằng cấp chính là tấm giấy thông hành. Bằng cấp càng cao, càng nhiều, thì cơ hội được tuyển dụng càng lớn. Phải chăng đây là nguồn gốc sinh ra bằng cấp dởm?

Trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện vẫn thiên về bằng cấp, khiến người ta phải chạy theo bằng cấp, dẫn đến mua bằng. Dù đã có nhiều đổi mới trong khâu tuyển dụng, nhưng bằng cấp vẫn quyết định mà chưa chú trọng vào năng lực thực sự của người đó. Nguyên nhân của tình trạng bằng cấp dởm chính là ở chỗ này. Nếu bằng cấp không có ý nghĩa nếu có năng lực, thì chắc không ai đi mua bằng rởm làm gì.

Để bằng rởm có đất sống, rõ ràng chúng ta đang có lỗ hổng trong quản lý?

Đúng là công tác quản lý bằng cấp hiện nay lại lỏng lẻo. Lẽ ra khi cơ quan có thẩm quyền giới thiệu người đó vào chức vụ nào đó thì cần phải liên hệ sang Bộ GD&ĐT để thẩm định xem bằng cấp của cán bộ này có đủ tiêu chuẩn hay không, tương đương với bằng nào tại Việt Nam.

Nhưng dường như ngành giáo dục độc lập với tổ chức cán bộ?

Chúng ta chưa có sự liên thông giữa cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan giáo dục, đào tạo, cho nên cơ quan tổ chức cán bộ cứ làm theo tuyến của mình, không kiểm tra được bằng cấp và chất lượng đào tạo của cán bộ. Công tác cán bộ thời gian qua có nhiều vấn đề.

Cơ quan nào chỉ biết cơ quan đó chứ chưa có sự liên thông với nhau. Đưa một cán bộ lên cần phải thẩm định từ cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ đó, rồi cơ quan an ninh, cơ quan quản lý tư pháp, tổ chức đảng, nơi cư trú… để nắm rõ trình độ, tư cách đạo đức của cán bộ đó

Ý ông là nên giao việc này cho Bộ GD&ĐT?

Tôi cho rằng từ bây giờ, khi đề xuất bất kỳ một cán bộ nào muốn được bổ nhiệm phải thông qua cơ quan thẩm định của Bộ GD&ĐT chứ không chỉ dựa vào công chứng. Chúng ta chưa có sự liên thông giữa cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan giáo dục, đào tạo, cho nên cơ quan tổ chức cán bộ cứ làm theo tuyến của mình, không kiểm tra được bằng cấp và chất lượng đào tạo của cán bộ.

Chúng ta có nên quá tập trung vào bằng cấp khi tuyển dụng, thay vì bằng cấp thì lựa chọn người có năng lực dựa trên điều gì?

Nếu cứ tập trung vào bằng cấp quá thì họ sẽ mua điểm, mua bằng, làm đẹp bộ hồ sơ để thăng quan tiến chức. Nên tập trung vào hiệu quả thực tế công tác để xem người đó có đáp ứng được công việc hay không. Giáo sư, tiến sĩ chủ yếu phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu chứ không phải là làm cán bộ quản lý. Điều này vô hình chung khuyến khích việc chạy đua bằng cấp một cách không cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)